Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Lương Thị Ngọ

Ngày cập nhật: 31/05/2017
QUAN ĐIỂM LUẬT SƯ: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Lương Thị Ngọ trong vụ án hành chính khởi kiện quyết định hành chính của UBND quận Long Biên trong lĩnh vực bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất

Kính thưa HĐXX Tòa án nhân dân quận Long Biên!  


Tôi là luật sư Phan Thị Hương Thủy thuộc Công ty luật TNHH Hoàng Long (Đoàn luật sư) xin trình bày quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện vụ án hành chính –bà Lương Thị Ngọ khởi kiện Quyết định số 2168/QĐ-UBND ngày 2/12/2005 của UBND quận Long Biên về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất với 40 hộ gia đình đất ở (đợt 1)nằm trong diện tích GPMB phục vụ dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy tại phường Long Biên, quận Long Biên, Hà nội (sau đây gọi tắt là quyết định 2168)-là quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. 

Trước khi trình bày quan điểm bảo vệ tôi xin tóm tắt diễn biến sự việc dẫn đến phiên tòa hôm nay cụ thể như sau:

1-Tóm tắt nguồn gốc đất và quá trình kê khai, kiểm đếm lập phương án bồi thường khi nhà nước thu hồi đất: 
Bà Lương Thị Ngọ là chủ sử dụng mảnh đất do cha ông để lại diện tích 163,17m2 số thửa 203 tờ bản đồ 07 tại địa chỉ tổ 3, thôn Trạm, xã Long Biên, huyện Gia Lâm, Hà nội (nay là tổ 14, Cụm Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà nội), đã được UBND huyện Gia Lâm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1999 đứng tên chủ sử dụng đất là bà Lương Thị Ngọ. Ngày 24/1/2005 UBND thành phố Hà nội ban hành Quyết định số 529/QĐ-UBND về việc thu hồi 435.700m2 đất tại các phường Vĩnh Tuy, Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng), Long Biên, Thạch Bàn, Phúc Đồng (quận Long Biên), Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) giao Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy và tuyến đầu hai đầu cầu –giai đoạn 1. Hộ gia đình bà Ngọ bị thu hồi 2 loại đất: một phần thửa đất thổ cư số thửa 203 và đất nông nghiệp để thực hiện dự án.    

Theo Phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất thổ cư ngày 5/11/2011 của tổ GPMB của UBND phường Long Biên đối với hộ gia đình bà Lương Thị Ngọ thể hiện: - Diện tích đất đang sử dụng 163,17m2 loại đất thổ cư thuộc thửa 203 tờ bản đồ số 07 -Bị thu hồi 93,81m2 đất thổ cư. Diện tích còn lại sau khi bị thu hồi là 69,36m2. -Trên đất bị thu hồi có nhà và công trình được bồi thường hỗ trợ là 609.314.000 đồng. -Ngoài ra được thưởng tiến độ và trợ cấp thuê nhà tạm cư. Tổng cộng các khoản tiền là 615.314.000 đồng. 

- Phần giao đất tái định cư thể hiện: Hộ gia đình bà Ngọ được giao 50m2 đất tái định cư. Nhưng theo Phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ và tái định cư của Hội đồng BTHT và TĐC quận Long Biên lập ngày 01/12/2005 đối với hộ gia đình Lương Thị Ngọ tất cả các nội dung không thay đổi chỉ có phần nội dung tái định cư thì thay đổi. Cụ thể tại phần giao đất tái định cư  ghi: “Gộp chung phương án của chồng là Trần Ngọc Chức” tức là hộ gia đình bà Ngọ không được giao đất tái định cư . Tháng 2 năm 2006 dự án cầu Vĩnh Tuy bắt đầu triển khai, hộ gia đình bà Ngọ là một trong số những người bị thu hồi đất đã tự nguyện tháo dỡ nhà cửa tài sản trên mảnh đất thổ cư của ông cha để lại để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là Ban quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn thực hiện dự án. Tháng 9 năm 2010 cầu Vĩnh Tuy là cây cầu rộng nhất Việt nam tại thời điểm đó bắc qua sông Hồng nối hai quận Long Biên và quận Hai Bà Trưng chính thức hoàn thành. Từ khi có cầu Vĩnh Tuy bộ mặt của quận Long Biên đã phát triển, cây cầu trở thành mạng lưới giao thông quan trọng của thành phố góp phần phân chia lưu lượng xe, giảm ách tắc giao thông nội đô qua cầu Chương Dương góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hai khu vực Bắc - Nam sông Hồng, rất nhiều người được hưởng lợi từ cây cầu nhưng đối với hộ gia đình bà Ngọ -người bị thu hồi đất thổ cư để phục vụ dự án cầu Vĩnh Tuy cho đến nay vẫn chưa được UBND quận Long Biên thực hiện bồi thường hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2006 đến nay năm 2017 ròng rã 11 năm bà Ngọ đi khiếu kiện để yêu cầu UBND quận Long Biên phải giao đất tái định cư cho gia đình bà. 


2.Qúa trình khiếu nại về việc không được giao đất tái định cư:            

Sau khi thấy các hộ gia đình có cùng điều kiện được giao đất tái định cư  bà Ngọ đã làm đơn khiếu nại gửi UBND phường Long  Biên và UBND quận Long Biên đề nghị giải quyết đất tái định cư cho bà Ngọ để làm nhà ở vì bà không có chỗ ở. Thời điểm khiếu nại bà Ngọ không được nhận quyết định phê duyệt nên không biết số và ngày ban hành quyết định. Ngày 31/5/2010 UBND phường Long Biên đã có văn bản số 90 ngày 31/5/2010 trình Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quận Long Biên giải quyết đất tái định cư cho bà Ngọ với lý do: bà Ngọ  và ông Trần Ngọc Chức  có hai thửa đất riêng biệt, hai vợ chồng sống ly thân đã lâu, tài sản riêng, cuộc sống riêng,hộ khẩu riêng nay mới cấp tái định cư cho ông Chức mà chưa cấp cho bà Ngọ. Ngày 11/9/2012 Uỷ ban nhân dân quận Long Biên đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 3732/QĐ-UB  do ông Đỗ Huy Chiến-Phó Chủ tịch ký với nội dung: “không chấp nhận yêu cầu xin cấp đất tái định cư khi thu hồi đất của tôi vì lý do tôi và ông Chức là hai vợ chồng nên việc gộp chung một phương án là đúng”. 

Trong quyết định có ghi số và ngày quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất của tôi là số 1365/QĐ-UBND ngày 11/9/2006. Bà Ngọ đã khiếu nại lên UBND thành phố Hà nội và ngày 15/4/2013 UBND thành phố Hà nội ban quyết định số 2675/QĐ-UBND giải quyết đơn khiếu nại lần 2 đối với tôi đã căn cứ Kết luận số 72/KL-TTTP (P4) ngày 15/1/2013 của Thanh tra Thành phố quyết định: “Đồng ý với Quyết định số 3732/QĐ-UBND ngày 11/9/2012 của UBND quận Long Biên về giải quyết khiếu nại của bà Lương Thị Ngọ liên quan đến việc giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy và tuyến đường hai cầu”.  


3.Tóm tắt quá trình khởi kiện vụ án hành chính của bà Ngọ: 

Đây là phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai của Tòa án nhân dân quận Long Biên xét xử vụ án hành chính giữa người khởi kiện- bà Lương Thị Ngọ đối với người bị kiện –là UBND quận Long Biên với yêu cầu Tòa án hủy một phần quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất của bà Ngọ để thực hiện dự án cầu Vĩnh Tuy. Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất diễn ra 3 năm trước vào ngày 28/5/2014 đã tuyên xử chấp nhận yêu cầu của bà Ngọ bằng bản án số 07/2014/HCST. Do người bị kiện là UBND quận Long Biên không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị nên bản án sơ thẩm đã có hiệu lực. Ngày 26/6/2014 ông Đỗ Huy Chiến-Phó chủ tịch UBDN quận Long Biên đã có bút phê vào bản án với nội dung: “ Giao ban bồi thường hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện theo quyết đinh của tòa và báo cáo Hội đồng giải phóng mặt bằng”. Nhưng sau đó bản án có hiệu lực pháp luật này đã không thể thi hành do lỗi của UBND quận Long Biên đã nhầm lẫn khi cung cấp cho Tòa án quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ không đúng cụ thể là cung cấp quyết định số 1365/QĐ-UBND ngày 11/9/2006 –quyết định này là đối với thu hồi đất nông nghiệp (vì hộ gia đình bà Ngọ vừa bị thu hồi đất nông nghiệp vừa bị thu hồi đất thổ cư) trong khi quyết định phê duyệt phương án bồi thường khi thu hồi đất thổ cư là số 2168/QĐ-UBND ngày 2/12/2005. Nên sau đó chính UBND quận Long Biên lại gửi đơn khiếu nại đề nghị kháng nghị bản án sơ thẩm số 07/2014/HCST ngày 28/5/2014 của Tòa án nhân dân quận Long Biên. Ngày 23/12/2015 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà nội đã ký Kháng nghị số 01/KN-HC (ngày 25/12/2015 bà Ngọ nhận được kháng nghị gửi qua bưu điện) có nội dung: 

1.Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với toàn bộ Bản án hành chính sơ thẩm số 07/2014/HCST ngày 28/5/2014 của TAND quận Long Biên. 

2. Đề nghị Uỷ ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà nội xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án hành chính sơ thẩm số 07/2014/HCST ngày 28/5/2014 của TAND quận Long Biên, thành phố Hà nội. 

3. Tạm đình chỉ thi hành án Bản án hành chính sơ thẩm số 07/2014/HCST ngày 28/5/2014 của TAND quận Long Biên cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm”. Lý do kháng nghị đã được nêu rõ tại trang 4 là: “ Tòa án quận Long Biên thụ lý vụ án hành chính trong đơn khởi kiện của bà Ngọ có nội dung đề nghị hủy nội dung cấp đất tái định cư. Trong thông báo thụ lý của Tòa án cũng có nội dung yêu cầu hủy quyết định về hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất….Những nội dung này được quy định tại Quyết định số 2168/QĐ-UBND ngày 02/12/2005 của UBND quận Long Biên về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất với 40 hộ gia đình đất ở (đợt 1) nằm trong diện GPMB phục vụ dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy tại phường Long Biên, quận Long Biên. Nhưng trong hồ sơ vụ án không hề thu thập quyết định này mà thu thập Quyết định số 1365/QĐ-UBND ngày 11/09/2006 của UBND quận Long Biên, và quyết định này không có những nội dung bà Ngọ khởi kiện và Tòa án đã thụ lý, là xác định sai đối tượng khởi kiện và đối tượng thụ lý vụ án”. Ngày 17/5/2016 Uỷ ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tại Hà nội đã mở phiên tòa giám đốc thẩm và ra Quyết định số 03/2016/GĐT-HC xử chấp nhân kháng nghị hủy bản án sơ thẩm giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận Long Biên để xét xử lại theo quy định của pháp luật. Tuy ngày xét xử giám đốc thẩm là 17/5/2016 nhưng 4 tháng sau đến tháng 9 năm 2016 bà Ngọ và Tòa án nhân dân quận Long Biên mới nhận được quyết định giám đốc thẩm. Ngày 30/9/2016 bà Ngọ đã nộp đơn đề nghị Tòa án nhân dân quận Long Biên tiếp tục giải quyết vụ án hành chính theo quyết định giám đốc thẩm. Ngày 7/11/2016 theo hướng dẫn của thẩm phán chủ tọa, bà Ngọ đã nộp Đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện thay đổi đối tượng khởi kiện là quyết định số 2168 ngày 2/12/2005. Việc bà Ngọ có đơn từ tháng 9 mà 2 tháng sau mới phân công thẩm phán hướng dẫn bà Ngọ sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện theo quyết định giám đốc thẩm là thiếu sót từ phía tòa án làm ảnh hưởng đến thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính vốn đã ngắn ngủi của người dân. Yêu cầu của bà Ngọ: Đề nghị Tòa án hủy một phần quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước số 2168 phần giao đất tái định cư vì đã gộp chung với phương án của ông Trần Ngọc Chức là trái với quy định của pháp luật. Sự việc nhầm lẫn từ phía người bị kiện là UBND quận Long Biên đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Ngọ bởi vì mặc dù đã có bản án của Tòa từ năm 2014 nhưng cho đến nay bà Ngọ vẫn phải chịu thiệt thòi, chưa được giao đất tái định cư. Trách nhiệm này thuộc về UBND quận Long Biên chứ người dân không có lỗi bởi vì bà Ngọ chưa hề được UBND quận Long Biên giao các quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp và đất thổ cư để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án cầu Vĩnh Tuy.       

 4.Sau đây tôi xin trình bày quan điểm bảo vệ cho bà Ngọ về các vấn đề: 

4.1. Chứng minh đơn khởi kiện vụ án hành chính của bà Ngọ là trong thời hiệu khởi kiện. Thời điểm Tòa án nhân dân quận Long Biên thụ lý đơn khởi kiện của bà Ngọ để giải quyết lần thứ 2 là thời điểm Luật tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực (từ 1/7/2016). Căn cứ Điều 116 quy định về thời hiệu khởi kiện như sau: “1. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. 2. Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau: a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;           ---- 3. Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau: a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; b) 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại. 4. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện. 5. Các quy định của Bộ luật dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu được áp dụng trong tố tụng hành chính”. Đối chiếu vào quy định nêu trên, để xác định việc bà Ngọ khởi kiện quyết định số 2168 có nằm trong thời hiệu khởi kiện 01 năm hay không trước tiên cần xác định thời điểm bà Ngọ nộp đơn khởi kiện cho Tòa án. Vì đây là vụ án có tính chất đặc biệt là đã có một bản án có hiệu lực pháp luật nhưng bản án này đã bị xử hủy để xét xử lại theo quy định của pháp luật với đối tượng khởi kiện hành chính là quyết định hành chính mới là quyết định 2168 không phải quyết định 1365. Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án tôi xác định thời điểm bà Ngọ khởi kiện đối với quyết định số 2168 có 2 thời điểm: Thời điểm thứ nhất là ngày bà Ngọ nộp Đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện cho Tòa án nhân dân quận Long Biên (theo yêu cầu của thẩm phán chủ tọa) là ngày 7/11/2016.  

Và thời điểm thứ hai là ngày 30/9/2016 –là ngày bà Ngọ đến Tòa án nhân dân quận Long Biên nộp Đơn đề nghị tiếp tục giải quyết vụ án hành chính theo quyết định giám đốc thẩm. Nên vận dụng nguyên tắc suy đoán có lợi cho người khởi kiện –là bên bị yếu thế trong quan hệ hành chính thì có thể xác định ngày 30/9/2016 là ngày khởi kiện nếu thời gian còn ít. Vấn đề tiếp theo cần xác định thời điểm nào thì bà Ngọ nhận được hoặc biết được quyết định số 2168. Theo hồ sơ vụ án thể hiện: Ngày 28/5/2014 Tòa án nhân dân quận Long Biên xét xử sơ thẩm và ra bản án hành chính sơ thẩm số 07. Tám  tháng sau vào ngày 28/1/2015 Tòa án nhân dân quận Long Biên lại ban hành 2 văn bản:    Một là: Thông báo sửa chữa, bổ sung bản án số 01/2015/TB-TA với nội dung: “do có sai sót nhầm lẫn cần sửa chữa bổ sung như sau: “quyết định số 1365/QĐ-UBND ngày 11/9/2006 của UBND quận Long Biên” nay được sửa chữa là “quyết định số 2168/QĐ-UBND ngày 2/12/2005 của UBND quận Long Biên”.   

Hai là: Công văn số 08/CV-TA gửi UBND quận Long Biên với nội dung (tóm tắt): Tòa án nhân dân quận Long Biên nhận được công văn số 1920/UBND-GPMB đề ngày 12/8/2014 của UBND quận Long Biên về việc đề nghị Tòa án giải thích bản án số 07/2014/HCST ngày 28/5/2014 của Tòa án nhân dân quận Long Biên. Về nội dung vụ kiện: do bà Lương Thị Ngọ không nhân được quyết định 1365 chỉ biết được tên quyết định này qua Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 3732/QĐ-UBND ngày 11/9/2012 của UBND quân Long Biên. Tòa án cũng đã có công văn yêu cầu UBND quận Long Biên cung cấp quyết định 1365 và ra bản án số 07. Nay sau khi Tòa án được cung cấp quyết định 2168 thì thấy chỉ sai về hình thức nên tòa án đã ban hành thông báo đính chính bản án (gửi kèm công văn).  Qua đây có thể thấy việc Tòa án quận Long Biên phát hành thông báo sửa đổi, bổ sung bản án là để trả lời cho UBND quận Long Biên. Còn bà Ngọ cũng không quan tâm đến thông báo này bởi ông Đỗ Huy Chiến –Phó Chủ tịch quận Long Biên đã có bút phê chỉ đạo Ban bồi thường GPMB quận làm thủ tục giao đất tái định cư cho bà theo quyết định của tòa án. Trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào thể hiện Thông báo sửa chữa bổ sung bản án ngày 28/1/2015 đã được giao cho người khởi kiện là bà Lương Thị Ngọ. 

Vì đây là vụ án hành chính nên theo quy định của điều 116 Luật tố tụng hành chính không có quy định buộc người khởi kiện “phải” biết mà chỉ quy định “nhận được” hoặc “biết được”. Tuy tại khoản 5 điều 116 Luật tố tụng hành chính quy định cách tính thời han thời hiệu theo quy định của Bộ luật dân sự. Nhưng tại khoản 1 điều 154 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về bắt đầu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự: “ Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Cụm từ “ “ trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” được hiểu là nếu Luật tố tụng hành chính có quy định về vấn đề này thì áp dụng Luật tố tụng hành chính. Do đó không thể quy buộc thời điểm bà Ngọ phải biết đến quyết định 2168 là ngày 28/1/2015 (ngày Tòa án nhân dân quận Long Biên ra Thông báo sửa chữa bổ sung bản án). Tôi thấy rằng tài liệu chứng cứ của hồ sơ vụ án có thể xác định thời hiệu khởi kiện như sau: Một là: Căn cứ ngày bà Ngọ nhận được quyết định 2168 là 28/12/2015 tức là sau khi nhận được Kháng nghị gửi qua đường bưu điện vào ngày 24/12/2015. Tính đến thời điểm bà Ngọ nộp đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện (7/11/2016) thì vẫn trong thời hiệu khởi kiện theo quy định tại điểm a khoản điều 116 Luật tố tụng hành chính năm 2015. Hai là: Căn cứ tài liệu chứng cứ mới do bà Ngọ cung cấp tại phiên tòa liên quan đến quá trình bà Ngọ thực hiện việc khiếu nại quyết định 2168 đến UBND quận Long Biên theo quy định tại điều 311 Luật khiếu nại năm 2011 (trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định 2168 cụ thể là ngày 28/12/2015) tôi cho rằng có thể vận dụng điểm a khoản 3 điều 116 Luật tố tụng hành chính để xác định thời điểm bắt đầu để tính thời hiệu khởi kiện 1 năm là ngày 23/4/2016 đó là các tài liệu chứng cứ như sau: -Đơn khiếu nại ngày 22/3/2016 của bà Ngọ gửi Chủ tịch UBND quận Long Biên về việc UBND quận Long Biên ban hành quyết định 2168/QĐ-UBND ngày 2/12/2005 phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư trái pháp luật xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất. Kèm theo là Biên lai bưu điện số EK106042236 VN và Phiếu báo phát thể hiện ngày 23/3/2016 thư đã được chuyển đến UBND quận Long Biên người nhận là Nga. -Đơn khiếu nại ngày 14/4/2016 của bà Ngọ gửi Chủ tịch UBND quận Long Biên đối với quyết định 2168 kèm theo các tài liệu: Phiếu nhận đơn-hồ sơ ngày 14/4/2016 thể hiện đơn khiếu nại trên đã được nộp trực tiếp cho bộ phận tiếp dân của UBND quận Long Biên người nhận là Lê Minh Quân ngày trả kết quả là 8/6/2016 và Phiếu đăng ký tiếp công dân ngày 12/4/2016 ghi tên người đăng ký là Lương Thị Ngọ, 75 tuổi đề nghị giải quyết đơn khiếu nại đề ngày 22/3/2016 đối với quyết định 2168.  -Thông báo số 192/TB-UBND ngày 22/4/2016 Thông báo về việc không thụ lý giải quyết khiếu nại (ngày bà Ngọ nhận được 16/5/2016) của UBND quận Long Biên do ông Đỗ Huy Chiến-Phó Chủ tịch ký gửi bà Lương Thị Ngọ với nội dung: Ngày 14/4/2016 UBND quân Long Biên đã nhân được Đơn khiếu nại của bà đối với quyết định số 2168 ngày 2/12/2005 về việc phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với 40 hộ gia đình (đợt 1) trong đó có hộ bà Lương Thị Ngọ nằm trong phạm vi GPMB phục vụ dự án xây dựng Cầu Vĩnh Tuy tại phường Long Biên, quận Long Biên, Hà nội. Do quyết định 2168 đang được Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà nội xem xét theo trình tự giám đốc thẩm nên theo quy định tại khoản 9 điều 11 Luật khiếu nại năm 2011 đơn của bà Ngọ không đủ điều kiện thụ lý. Điểm đặc biệt của vụ án hành chính này là với thông báo như trên thì thấy không thuộc trường hợp nào của khoản 3 điều 116 Luật tố tụng hành chính mà chỉ có thể vận dụng để xác định: Bà Ngọ đã thực hiện việc khiếu nại lần đầu đối với quyết định 2168, đơn khiếu nại của bà đã được UBND quận Long Biên nhận và việc UBND quận không thụ lý đơn khiếu nại vì lý do Tòa án cấp cao đang giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm. Do đó thông báo này được coi là sự trả lời bằng văn bản về việc không giải quyết đơn khiếu nại để làm căn cứ xác định thời hiệu khởi kiện.  Căn cứ điều 147, điều 148 Bộ luật dân sự năm 2015 về cách tính thời hạn tôi xác định thời điểm tính thời hiệu bắt đầu là ngày bà Ngọ nhận được Thông báo số 192 (ngày 16/5/2016) hoặc căn cứ vào ngày của Thông báo (22/4/2016) để xác định thời hiệu khởi kiện đối với quyết định 2168 được tính từ ngày 23/4/2016 (sau ngày ban hành) tính từ ngày 23/4/2016 đến ngày 7/11/2016 là chưa đến 7 tháng trong khi thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính là 1 năm (12 tháng) Kết luận: Đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện ngày 7/11/2016 của bà Ngọ đối với quyết định 2168 của UBND quân Long Biên là trong thời hiệu khởi kiện. 

4.2. Về nội dung: Yêu cầu của bà Ngọ: Đề nghị Tòa án hủy một phần quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước số 2168 phần giao đất tái định cư vì đã gộp chung với phương án của ông Trần Ngọc Chức. Căn cứ để chứng minh tính trái pháp luật của Quyết định số 2168 làm xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Ngọ Quyết định số 2168 được Chủ tịch UBND quận Long  Biên ký phê duyệt căn cứ vào Tờ trình số 41/TTr-UB ngày 1/12/2005  của Ban bồi thường GPMB quận Long Biên. Tờ trình này kèm theo Bảng tổng hợp phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với 40 hộ gia đình thuộc diện di chuyển GPMB dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy trên địa bàn phường Long Biên, quận Long Biên. Tại số thứ tự 3 ghi tên chủ hộ gia đình Lương Thị Ngọ: diện tích đất đang sử dụng 163,17m2, loại đất thổ cư, bị thu hồi 93,81m2, được bồi thường hỗ trợ là 609.314.000 đồng, ngoài ra được thưởng tiến độ và trợ cấp thuê nhà tạm cư tổng cộng là 615.314.000 đồng. Nhưng không được giao đất tái định cư trong khi các hộ bị thu hồi đất thổ cư như tôi đều đã được giao đất tái định cư.

Lý do UBND quận Long Biên không giao đất tái định cư cho hộ gia đình tôi là vì “gộp chung với phương án của chồng là Trần Ngọc Chức”. Việc gộp 2 phương án  làm một là không đúng vì:     
 -Hai chủ sử dụng đất của 2 thửa đất khác nhau không phải tài sản chung vợ chồng: Thửa đất của bà Ngọ và thửa đất của ông Chức bị thu hồi là hai thửa đất riêng biệt, có số thửa, vị trí, nguồn gốc khác nhau. Bà Ngọ là chủ sử dụng đất thửa số 203 tờ bản đồ số 7 có nguồn gốc của bố mẹ để lại được UBND huyện Gia Lâm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 25/10/1999 ghi tên Lương Thị Ngọ là chủ hộ gia đình.  Còn ông Chức là chủ sử dụng thửa đất số 171 tờ bản đồ số 1 có nguồn gốc của bà Trần Thị Ngoãn (cô của ông Chức) được UBND huyện Gia Lâm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 10/11/2003 ghi tên Trần Ngọc Chức là chủ hộ gia đình.      
 -Hai phương án khác nhau: Theo quy định của Luật đất đai năm 2003 thì bà Ngọ và ông Chức là hai chủ sử dụng đất và là hai chủ hộ gia đình độc lập đều có quyền và nghĩa vụ đối với diện tích đất được cấp giấy chứng nhận. Vì là hai chủ sử dụng đất khác nhau nên từng người thực hiện việc kê khai, kiểm đếm diện tích đất và tài sản gắn liền với đất thuộc diện GPMB và được Hội đồng bồi thường hỗ trợ GPMB quận Long Biên lập riêng hai phương án đối với từng thửa đất cho từng người. -Được hưởng quyền lợi như nhau khi Nhà nước thu hồi đất với tư cách là từng người bị thu hồi đất riêng rẽ: Căn cứ khoản 1 điều 8, khoản 2 điều 34 Nghị định 197/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, khoản 6 điều 25 Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 18/2/2005 của UBND thành phố Hà nội thì cả bà Ngọ và ông Chức thuộc đối tượng được hưởng chính sách tái định cư.      

Theo Phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ và tái định cư ngày 5/11/2011 của tổ GPMB của UBND phường Long Biên đối với hộ gia đình Lương Thị Ngọ được giao 50m2 đất tái định cư còn đối với hộ gia đình ông Chức được giao 80m2 đất tái định cư.   Căn cứ khoản 1 điều 15 Nghị định 197 quy định đất chỉ “bồi thường chung cho các đối tượng có đồng quyền sử dụng đất” tức là những người trong cùng  hộ gia đình.Việc gộp phần nội dung giao đất tái định cư của 2 phương án vào 1 phương án của ông Chức là trái luật vì bà Ngọ và ông Chức là hai chủ hộ gia đình của hai thửa đất khác nhau. Theo định nghĩa trong Bách khoa toàn thư thì hộ gia đình hay còn gọi đơn giản là hộ là một đơn vị xã hội bao gồm một hay một nhóm người ở chung (cùng chung một hộ khẩu) và ăn chung (nhân khẩu). Hộ gia đình không đồng nghĩa với khái niệm gia đình, những người trong hộ gia đình có thể có hoặc không có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng hoặc hôn nhân hoặc cả hai.   

Mặt khác tại Bản sao phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy tại phường Long Biên, quận Long Biên  do Hội đồng BTHT và TĐC quận Long Biên đề ngày 01/12/2005 ghi tên hộ gia đình Lương Thị Ngọ: phần giao đất tái định cư chỉ thấy ghi: “Gộp chung phương án của chồng là Trần Ngọc Chức”. Còn theo Bản sao phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy tại phường Long Biên, quận Long Biên đề ngày 3/12/2005 đối với hộ gia đình ông Chức thì được giao 120m2 đất tái định cư (nhưng không ghi chú “gộp chung phương án với vợ là Lương Thị Ngọ”). Căn cứ vào Tờ trình số 41/TTr-UB kèm theo Bản tổng hợp phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất đối với 40 hộ gia đình đề nghị UBND quận Long  Biên phê duyệt thì thấy thời điểm lập Tờ trình là ngày 1/12/2005 còn thời điểm lập Bản sao phương án chi tiết của ông Chức là ngày 3/12/2005 (sau 2 ngày) nên việc ghi chú trong Bản sao phương án chi tiết của bà Ngọ lý do không giao đất tái định cư là vì “gộp chung với phương án của chồng là Trần Ngọc Chức” là không đúng trình tự. Sau này khi bà Ngọ khiếu nại thì UBND quận Long Biên cho rằng lý do gộp chung 2 phương án làm một là vì chúng tôi có “quan hệ vợ chồng” (chứ không phải lý do là “cùng 1 hộ gia đình”). -Việc UBND quận Long  Biên cho rằng lý do gộp chung 2 phương án của tôi và ông Chức làm một vì lý do có quan hệ vợ chồng cũng là trái pháp luật về hôn nhân và gia đình. Căn cứ khoản 1 điều 11 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo nghi thức quy định tại điều 14 của Luật này”. UBND phường Long Biên đã xác nhận bà Ngọ và ông Chức không có đăng ký kết hôn, không sinh sống với nhau, mỗi người ở một nơi, không có lưu trữ gì về việc đăng ký kết hôn của hai người tại địa phương. Vì bà Ngọ và ông Chức ai ở nhà nấy trên mảnh đất của từng người tức là cũng không chung sống với nhau như vợ chồng. Do đó cũng không thuộc trường hợp theo điểm c khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình ngày 9/6/2000 quy định “kể từ ngày 1/1/2001 trở đi  trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam và nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhân là vợ chồng” vì giữa hai người không hề có cuộc sống chung với nhau như vợ chồng. -Vì bà Ngọ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (như ông Chức) nên việc UBND quận Long Biên không bồi thường đất cho bà là trái với khoản 1 điều 8 Nghị định 197 quy định về điều kiện để được bồi thường đất là : “ Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai”. Trong quá trình tòa án giải quyết phía người bị kiện là UBND quận Long Biên đã đưa ra các lời khai không thống nhất: 

Cụ thể -Tại lần khởi kiện năm 2014 đại diện người bị kiện đưa ra ý kiến nếu bà Ngọ chứng minh không phải vợ chồng với ông Chức thì có căn cứ để được giao đất tái định cư. Căn cứ vào xác minh của Tòa án tại UBND quận Long Biên tại UBND phường Long Biên về việc bà Ngọ và ông Chức không có đăng ký kết hôn nên Tòa án quân Long Biên đã ra bản án số 07 chấp nhân yêu cầu khởi kiện của  bà Ngọ và UBND quận Long Biên cũng không có kháng cáo. -Tại lần khởi kiện này, UBND quận Long Biên lại thay đổi quan điểm: Căn cứ giấy tự khai ngày 28/2/2017 của ông Đỗ Huy Chiến-Phó Chủ tịch là đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện- UBND quận Long Biên cho rằng việc Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư quận Long Biên nhập 2 phương án của hộ ông Chức và bà Ngọ (nhưng chỉ nhập phần giao đất tái định cư) còn các nội dung khác vẫn là độc lập. Thể hiện tại mục giao đất tái định cư có ghi nội dung: gộp chung phương án phê duyệt ngày 3/12/2005 của ông Chức và diện tích tối đa cho hộ ông Chức bà Ngọ là 120m2, đã tăng từ 80m2 lên 120m2 là đúng nên không giao đất tái định cư riêng cho bà Ngọ là đúng và ông Chiến đã đề nghị tòa án bác đơn yêu cầu kiện về giao đất tái định cư cho bà Ngọ. Việc thay đổi lời khai này từ phía ông Chiến đã làm cho bà Ngọ vô cùng bức xúc. Tôi xin đưa ra căn cứ phản bác ý kiến của ông Đỗ Huy Chiến (thực ra là trình bày bảo vệ hộ cho ông Trần Ngọc Chức) cụ thể như sau:         

-Theo quy định của Luật đất đai thì bà Ngọ và ông Chức là hai chủ sử dụng đất và là hai chủ hộ gia đình độc lập đều có quyền và nghĩa vụ đối với diện tích đất được cấp giấy chứng nhận. Vì là hai chủ sử dụng đất khác nhau nên từng người thực hiện việc kê khai, kiểm đếm diện tích đất và tài sản gắn liền với đất thuộc diện GPMB và được Hội đồng bồi thường hỗ trợ GPMB quận Long Biên lập riêng hai phương án đối với từng thửa đất cho từng người. -Căn cứ khoản 1 điều 8, khoản 2 điều 34 Nghị định 197/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, khoản 6 điều 25 Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 18/2/2005 của UBND thành phố Hà nội thì cả bà Ngọ và ông Chức thuộc đối tượng được hưởng chính sách tái định cư. Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên thì hộ gia đình bà Lương Thị Ngọ và hộ gia đình ông Trần Ngọc Chức là hai hộ gia đình riêng biệt, hai người sử dụng đất độc lập, ngay từ đầu đã được Hội đồng giải phóng mặt bằng phát tờ khai riêng biệt và lập thành 2 hồ sơ khác nhau và cả hai phương án ban đầu đều có mục giao đất tái định cư theo đúng tiêu chuẩn và quy định hiện hành của pháp luật cụ thể hộ gia đình ông Chức được giao 80m2, hộ bà Ngọ được giao 50m2. Nếu ông Chiến nói là đã giao gộp cho hai hộ  là 120m2 thì vẫn thiếu 10m2. -Ngoài ra việc UBND quận Long Biên giao 120m2 đất tái định cư cho hộ ông Trần Ngọc Chức cũng hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật thời năm 2005 cụ thể là Quyết định 26/2005/QĐ-UB ngày 18/2/2005 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thực hiện Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hà nội.      

Bà Ngọ đã cung cấp tài liệu mới chứng minh cho việc này: Vì ông Chức bị thu hồi 107,63m2, diện tích còn lại tại thửa đất của ông Chức chỉ là 11m2 (trong khi tiêu chuẩn đất để xây nhà là 30m2), phần đất còn lại của ông Chức là 1 dẻo đất dài, chạy dọc theo mép hè nhà của chủ sử dụng đất liền kề đằng sau là hộ ông Trần Văn Thảo. Do không có giá trị sử dụng nên phải nhường lại cho hộ liền kề đằng sau để hợp khối theo quy định của thành phố là hộ ông Trần Văn Thảo, trú tại tổ 14, phường Long Biên, Hà Nội nên phải xác định là ông Chức bị mất toàn bộ đất thổ cư nguồn gốc của ông cha để lại, và bị phá toàn bộ ngôi nhà trên đất, phải di chuyển chỗ ở đi nơi khác và cũng không có chổ ở nào khác trên địa bàn phường Long Biên, quận Long Biên. Do đó căn cứ nguyên tắc giao đất tái định cư quy định tại điều 25 (điểm b khoản 7 và điểm a khoản 6) hộ gia đình ông Chức đủ điều kiện để được giao bằng 100%  diện tích đất bị thu hồi tức là 107,63m2. Như vậy so với diện tích thực giao 120m2 thì ông Chức chỉ bị thừa 12,37m2 (120m2-107,63m2). Nếu cấp chung với hộ gia đình bà Ngọ thì diện tích giao cho hộ ông Chức sẽ phải là 157,63m2 chứ không thể là 120m2. Do đó UBND quận Long Biên vẫn phải giao đủ diện tích cho 2 hộ gia đình họ. Rất tiếc tại phiên tòa hôm nay đại diện theo ủy quyền của người bị kiện vắng mặt nên luật sư không thể đối chất về những vấn đề nêu trên, không những vắng mặt tại phiên tòa, ông Đỗ Huy Chiến –Phó chủ tịch quận còn không đến tham gia đối thoại theo giấy triệu tập của tòa mặc dù khoản 3 điều 60 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định” Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”. Tôi đề nghị HĐXX căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để đưa ra bản án đúng pháp luật bảo đảm quyền lợi cho người bị hồi đất khỏi bị thiệt thòi bởi nếu không có cây cầu thì gia đình họ không bị mất đất mất nhà, không phải vất vả theo kiện 11 năm nay.      

Đề nghị cụ thể của tôi           

 Căn cứ vào phân tích nêu trên tôi đề nghị HĐXX chấp nhận đơn khởi kiện của bà Ngọ cụ thể hủy 1 phần Quyết định số 2168 ngày 2/12/2005 của UBND quận Long Biên (phần không giao đất tái định cư cho hộ gia đình Lương Thị Ngọ) để bổ sung nội dung giao đất tái định cư theo quy định của pháp luật. 

 Xin trân trọng cảm ơn! Hà nội, ngày 30 tháng 5 năm 2017. 

Luật sư         Phan Thị Hương Thủy

lawvietnam.com.vn