Hội nghị lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi)

Ngày cập nhật: 31/08/2015
Sáng ngày 21/8/2015 tại số 30 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Uỷ ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) với các thành phần: Lãnh đạo HĐND-UBND-MTTQ Quận Hai Bà Trưng;

Sáng ngày 21/8/2015 tại số 30 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Uỷ ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) với các thành phần: Lãnh đạo HĐND-UBND-MTTQ Quận Hai Bà Trưng; Lãnh đạo các phòng, ban và các đoàn thể; Đại diện lãnh đạo: Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Chi cục Thi hành án dân sự, Thanh tra; Chủ tịch HĐND-UBD-MTTQ của 20 phường; 02 đại diện cử tri do Mặt trận tổ quốc quận mời. 



Hội nghị đã nghe 10 bản tham luận trong đó có bài của TS-LS Phan Thị Hương Thủy thể hiện quan điểm đồng tình về việc bổ sung những quy định mới theo 8 vấn đề trọng tâm cần ý kiến của nhân dân cho dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi).

GÓP Ý KIẾN VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM CHO DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI)

Tiến sỹ, Luật sư Phan Thị Hương Thủy

Giám đốc Công ty luật TNHH Hoàng Long

Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc Quận Hai Bà Trưng

Theo lời mời của Mặt trận Tổ quốc Quận Hai Bà Trưng tham gia Hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự do Uỷ ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng tổ chức, tôi thấy rằng việc sửa đổi Bộ luật hình sự cho phù hợp với Hiến pháp sửa đổi năm 2013 là rất cần thiết, từng bước đưa pháp luật hình sự của VN hội nhập với quốc tế. Tôi xin đóng góp ý kiến về 8 vấn đề trọng tâm đưa ra lấy ý kiến của nhân dân gồm:

1. Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự.

2. Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.

3. Về hình phạt trục xuất.

4. Việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân.

5. Về chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn.

6. Về việc thay thế dấu hiệu tội phạm của tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong cấu thành của các tội phạm cụ thể.

7. Về việc xử lý hình sự đối với trường hợp trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng.

8. Về việc bãi bỏ một số tội phạm và bổ sung một số tội phạm mới nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ, thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế.  

Cụ thể như sau:

Vấn đề thứ 1. Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự.

Vấn đề này có 2 ý cần góp ý kiến: 

a) Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân: 

Theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành, việc truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) chỉ đặt ra đối với cá nhân (con người cụ thể). Dự thảo BLHS (sửa đổi) lần này bổ sung TNHS của pháp nhân được quy định tại Chương I: Điều khoản cơ bản (điều 2, 3, 6, 8) và Chương XI: Những quy định đối với pháp nhân phạm tội (từ điều 74 đến 87).

Tôi ủng hộ loại ý kiến cho rằng: cho đến thời điểm này, việc quy định TNHS của pháp nhân trong BLHS là cần thiết vì 5 lý do nêu trong văn bản lấy ý kiến. Tuy nhiên theo quan điểm riêng của tôi đây là vấn đề mới nên cần phải có lộ trình để từng bước đưa luật vào cuộc sống và điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam. 

 b) Loại tội mà pháp nhân phải chịu TNHS. 

Điều 76 của dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về 32 tội danh, cụ thể là: 

- Điều 149 (tội mua bán người); Điều 150 (tội mua bán trẻ em);

- Điều 190 (tội buôn lậu); Điều 191 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 193 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm); Điều 196 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 197 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 204 (tội trốn thuế); Điều 207 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ); Điều 213 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán); Điều 214 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 215 (tội thao túng giá thị trường chứng khoán); Điều 220 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 221 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 223 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 224 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp);

- Điều 231 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 232 (tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại); Điều 236 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 239 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản); Điều 240 (tội huỷ hoại rừng); Điều 241 (tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ);

- Điều 307 (tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người); Điều 313 (tội tài trợ khủng bố); Điều 328 (tội sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn); Điều 336 (tội rửa tiền); 

- Điều 367 (tội nhận hối lộ); Điều 377 (tội đưa hối lộ);

- Điều 393 (tội không chấp hành án).

Tôi ủng hộ loại ý kiến thứ hai tức là không nên quy định tất cả 32 tội như nêu trên mà phải có lộ trình đưa vào luật, trước mắt chỉ nên tập trung xử lý hình sự các hành vi do pháp nhân thực hiện xảy ra tương đối phổ biến và thật sự gây bức xúc trong nhân dân. 

Tôi đồng ý với sự lựa chọn 15 tội, gồm: buôn lậu (Điều 190); trốn thuế (Điều 204); cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 213); sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 214); thao túng giá thị trường chứng khoán (Điều 215); trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 221); gây ô nhiễm môi trường (Điều 231); vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 232); đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 236); huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 239); huỷ hoại rừng (Điều 240); tài trợ khủng bố (Điều 313); rửa tiền (Điều 336); nhận hối lộ (Điều 367); đưa hối lộ (Điều 377).

Vấn đề thứ 2. Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.

Vấn đề này có 2 ý cần lấy ý kiến: 

a) Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niênĐiều 12 BLHS hiện hành quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng”. Quy định này chỉ mang tính nguyên tắc chung.

Dự thảo Bộ luật lần này (Điều 12) kế thừa quy định của BLHS hiện hành nhưng chỉ rõ hơn những tội phạm cụ thể mà người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS. Cụ thể là: 

Phương án 1:

“Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em, tội cướp tài sản, tội cướp giật tài sản và tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây: 

a) Điều 133 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 142 (tội cưỡng dâm);

b) Điều 168 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản); Điều 169 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 172 (tội trộm cắp tài sản); Điều 177 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản); 

c) Điều 249 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội tàng trữ, trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 253 (tội chiếm đoạt chất ma túy); 

d) Điều 275 (tội đua xe trái phép); 

đ) Điều 294 (tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm dùng để tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 295 (tội phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 296 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 298 (tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 299 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản); Điều 300 (tội truy cập trái phép tài khoản ngân hàng của tổ chức, cá nhân chiếm đoạn tài sản); Điều 304 (tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng); Điều 305 (sản xuất mua bán, tàng trữ, lưu hành thẻ ngân hàng giả để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản;

e) Điều 311 (tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng); Điều 316 (tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia)”. 

Phương án 2: giữ nguyên.

Tôi đồng ý với loại ý kiến: đồng tình với quy định tại Điều 12 của dự thảo BLHS (phương án 1) vì 4 lý do như đã nêu trong văn bản lấy ý kiến. Cụ thể: Bộ luật hình sự cần khoanh lại một số tội mà người chưa thành niên ở độ tuổi này hay thực hiện và quy định rõ những tội danh cụ thể thuộc một số nhóm tội phạm mà người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS. như: các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm sở hữu; các tội phạm về ma túy và các tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn công cộng. Vì nếu giữ nguyên quy định hiện hành (Điều 12): “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng” thì sẽ chung chung. 

Đối với lý do bảo vệ ý kiến này vì cho rằng: quy định như dự thảo BLHS thì dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Theo ý kiến tôi thì giữa hai nguyên tắc của Bộ luật hình sự: “không làm oan người vô tội” và “không bỏ lọt tội phạm” thì tôi thấy cần đảm bảo nguyên tắc không làm oan người vô tội hơn nhất là đối tượng là người chưa thành niên thì giáo dục để các em trở thành người công dân tốt vẫn hơn. 

Ngoài ra quy định như dự thảo sẽ phù hợp với điều 31 về Mục đích của hình phạt (cũng được sửa đổi) không chỉ là đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm mà còn nhằm giáo dục người phạm tội trở thành người có ích trong xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống....

b) Các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

BLHS hiện hành không quy định các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội mà chỉ quy định miễn TNHS đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình, cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục (khoản 2 Điều 69). 

Dự thảo BLHS (sửa đổi) tại điều 90  đã bổ sung các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội (Điều 91, 92, 93). 

Tôi ủng hộ  ý kiến cho rằng: việc bổ sung quy định về biện pháp thay thế xử lý hình sự như trong dự thảo BLHS (sửa đổi) là cần thiết để tiếp tục thực hiện chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, nhất là đối với đối tượng cần bảo vệ đặc biệt là người chưa thành niên theo hướng hạn chế khả năng đưa người chưa thành niên vào vòng quay tố tụng. 

Tôi thấy các quy định cụ thể như: Khiển trách (Điều 91), Hòa giải tại cộng đồng (Điều 92), Giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức (Điều 93) là phù hợp với tâm sinh lý, nhận thức của người chưa thành niên. 

Việc bổ sung các quy định này nhằm khắc phục bất cập của quy định hiện hành, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục tại cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật. 

Vấn đề thứ 3. Việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân.

a) Về bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm: 

BLHS hiện hành quy định hình phạt tử hình đối với 22 tội danh. Dự thảo BLHS (sửa đối) dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh, cụ thể là các tội: cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh (các Điều 164, 314, 404, 410, 433, 434 và Điều 435).

Tôi ủng hộ với loại ý kiến giảm bớt hình phạt tử hình cụ thể là 07 tội danh vì sẽ phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp của Nhà nước.

Tuy nhiên tôi không đồng tình với ý kiến về dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy quy định tại Điều 194 của BLHS hiện hành vì lý do: Qua thực tiễn xét xử cho thấy rất ít khi bắt được quả tang việc mua bán chất ma túy mà chủ yếu chỉ bắt được khi kẻ phạm tôi đang thực hiện hành vi vận chuyển, tàng trữ hoặc chiếm đoạt chất ma túy xét xử. Do vậy với tình trạng án ma túy nhức nhối hiện nay tôi cho rằng chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này. 

b) Về quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về một số tội phạm, nhưng sau khi bị kết án đã khắc phục về cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc lập công lớn (Điểm c khoản 3 Điều 39 dự thảo)

BLHS hiện hành không quy định vấn đề này. 

Dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội: sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Tôi ủng hộ loại ý kiến tán thành với quy định này vì: diện đối tượng áp dụng quy định này cũng rất hẹp, chủ yếu tập trung vào đối tượng bị kết án tử hình về một số tội mang tính kinh tế, như: sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, tham ô nhằm thu hồi tài sản bị thất thoát.

Tôi cũng đồng ý quy định này không nên áp dụng đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người và xâm phạm trật tự, an toàn công cộng (ví dụ: các tội ma túy, khủng bố). 

c) Về vấn đề giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm (khoản 3 Điều 63)

BLHS hiện hành không quy định chế định này. 

Khoản 3 Điều 63 của dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định: Tôi ủng hộ phương án 1: Không áp dụng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đối với trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm vì việc áp dụng tù chung thân không giảm án đã tạo cho người đã bị kết án tử hình một cơ hội để tiếp tục được sống, được lao động, gặp gỡ người thân, đồng thời cũng tạo cơ hội để khắc phục sai lầm có thể xảy ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với người bị kết án tử hình. Những điều này sẽ không thực hiện được nếu án tử hình được thi hành. Quy định này cũng góp phần giảm hình phạt tử hình trên thực tế, đồng thời, đây là một bước quá độ để tiến tới việc loại bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình.

d) Về quy định không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên

BLHS hiện hành không quy định vấn đề này. 

Dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung quy định không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên (Khoản 2, điểm b Khoản 3 Điều 39).

Tôi ủng hộ loại ý kiến: đồng tình với quy định này vì cho rằng, đây là một hướng góp phần giảm hình phạt tử hình trên thực tế, đồng thời nó mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, là một đặc ân của Nhà nước đối với đối tượng người bị kết án đã đến tuổi thượng thọ, được hướng chế độ ưu đãi của Nhà nước. 

Vấn đề thứ 4. Về chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn (Điều 35 và Điều 36 dự thảo).

BLHS hiện hành không quy định chế định này. 

Dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định về cơ chế chuyển đổi hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù, cụ thể 2 trường hợp như sau: 

- Về chuyển đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù có thời hạn, khoản 4 Điều 35 dự thảo quy định:

“Phương án  1. Khi tuyên hình phạt tiền là hình phạt chính, Tòa án tuyên nếu trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án không chấp hành thì hình phạt tiền được chuyển đổi thành hình phạt tù, đồng thời ấn định mức phạt tù mà người đó phải chấp hành theo nguyên tắc sau: 

a) Nếu khung hình phạt áp dụng không có quy định hình phạt tù thì mức phạt tù cao nhất không quá 03 năm tù;

b) Nếu khung hình phạt được áp dụng có quy định hình phạt tù lựa chọn với phạt tiền thì mức phạt tù cao nhất không quá mức cao nhất của hình phạt tù tại khung hình phạt tương ứng;

c) Trường hợp người bị kết án đã chấp hành một phần hình phạt tiền thì căn cứ vào phần hình phạt còn lại phải chấp hành, Tòa án quyết định chuyển đổi thành mức hình phạt tù tương ứng. 

Không áp dụng quy định tại khoản này đối với pháp nhân, người bị kết án là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người khuyết tật nặng để để cao nguyên tắc nhân đạo của Bộ luật hình sự của VN.

Phương án  2. Không quy định khoản này”.

- Về chuyển hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn, Khoản 5 Điều 36 dự thảo quy định:

“5. Khi tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ, Tòa án tuyên trong bản án  trường hợp người bị kết án không thực hiện các nghĩa vụ thì hình phạt này được chuyển thành hình phạt tù theo nguyên tắc 03 ngày cải tạo không giam giữ bằng 01 ngày tù. 

Không áp dụng quy định này đối với người bị kết án là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người khuyết tật nặng.”

Ý kiến của tôi: 

Tôi ủng hộ loại ý kiến cho rằng cần bổ sung cơ chế chuyển đổi như dự thảo: theo tôi việc bổ sung cơ chế chuyển đối từ hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù có thời hạn vì phù hợp với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, nhằm bảo đảm tính khả thi của hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ trên thực tế . Ngoài ra cơ chế này còn thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự của nước ta tránh cho người bị kết án không chịu chấp hành án có thể bị truy tố về tội không chấp hành án. Tức là để tránh xảy ra tình trạng cùng một lúc người bị kết án phải đồng thời chấp hành hai loại hình phạt chính khác nhau. 

Về đối tượng áp dụng: Tôi cũng ủng hộ ý kiến: Không áp dụng quy định tại khoản này đối với pháp nhân, người bị kết án là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người khuyết tật nặng để để cao nguyên tắc nhân đạo của Bộ luật hình sự của VN.

Vấn đề thứ 5. Về hình phạt Trục xuất

Bộ luật hình sự hiện hành quy định hình phạt Trục xuất vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung (Điều 28 và Điều 32 BLHS 1999). Dự thảo BLHS (Điều 32) quy định hình phạt này áp dụng theo hai phương án: Phương án thứ nhất: giữ nguyên như BLHS hiện hành (vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung); Phương án hai chỉ là hình phạt bổ sung.

Tôi ủng hộ loại ý kiến chỉ nên áp dụng hình phạt này với tư cách là hình phạt bổ sung vì phù hợp với thực tiễn của thế giới tức là khi công dân nước ngoài phạm tội ở VN thì phải chấp hành xong hình phạt và các nghĩa vụ thì mới bị trục xuất.Quy định này phù hợp với nguyên tắc xử lý hình sự quy định tại khoản 1 điều 3 dự thảo đó là: “ Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật”. Do đó nếu người nước ngoài vào VN phạm tội ví dụ: cướp của, giết người ...thì phải chịu xử lý tương ứng với tội danh quy định, sau khi chấp hành xong thì mới bị trục xuất, nếu người này vi phạm mà bị trục xuất luôn thì sẽ không bảo đảm nguyên tắc: “mọi cá nhân phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật...” như quy định tại khoản 2 điều 3 của dự thảo.

Vấn đề thứ 6. Về việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế

BLHS hiện hành quy định tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165). 

Dự thảo BLHS (sửa đổi) dự kiến cụ thể hóa hành vi phạm tội có tính chất cố ý làm trái trong các lĩnh vực kinh tế và quy định thành các tội danh cụ thể trong từng lĩnh vực để thay thế cho tội danh này. 

Tôi ủng hộ loại ý kiến: như trong dự thảo BLHS (sửa đổi) vì:

Dự thảo BLHS (sửa đổi) không đặt vấn đề bãi bỏ tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà chỉ cụ thể hóa hành vi phạm tội này thành các tội danh cụ thể trong từng lĩnh vực để bảo đảm tính công khai, minh bạch của BLHS, tránh sự tùy tiện trong việc áp dụng BLHS để xử lý tội phạm, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp mới năm 2013. Theo đó, tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được cụ thể hóa trong 45 tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thuộc 3 nhóm lĩnh vực: 1) sản xuất, kinh doanh, thương mại; 2) thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; 3) lĩnh vực kinh tế khác. Bên cạnh đó, BLHS cũng có một số điều khoản mang tính chất ”cố ý làm trái” trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trong chương các tội phạm về chức vụ cũng đã quy định một số tội danh liên quan đến hành vi “cố ý làm trái” của người có chức vụ, quyền hạn như: tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ. 

Theo tôi việc bổ sung quy định như dự thảo cũng khó có thể dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm.

Vấn đề thứ 7. Về việc bổ sung trường hợp xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng

BLHS hiện hành quy định trường hợp trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì vẫn bị xử lý hình sự.

Ngoài 03 trường hợp trên, dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung thêm trường hợp thứ tư là tuy tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng đó lại là “phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ hoặc có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại và gia đình họ” thì vẫn bị xử lý hình sự (Điểm d khoản 1 Điều 172).

Tôi ủng loại ý kiến: nhất trí với việc bổ sung quy định này để phù hợp với Hiến pháp 2013 đề cao quyền con người và quyền riêng tư của công dân. Đây cũng là biện pháp giải quyết những bức xúc của người dân trong thời gia vừa qua đối với những trường hợp trộm cắp tài sản có giá trị không đến 2 triệu đồng nhưng gây ảnh hưởng lớn đến trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống mưu sinh hàng ngày của người dân (ví dụ vấn nạn trộm chó xẩy ra trong thời gian gần đây vì không thể xử lý hình sự nên đã đẩy đám đông trở thành tội phạm khi tự mình đứng ra xét xử kẻ trộm chó).

Vấn đề thứ 8. Về việc bãi bỏ một số tội phạm và bổ sung một số tội phạm mới 

Dự thảo BLHS (sửa đổi) dự kiến bãi bỏ một số tội danh và bổ sung một số tội danh mới, cụ thể như sau:

a) Các tội danh dự kiến bãi bỏ:

Dự thảo BLHS (sửa đổi) dự kiến bãi bỏ 05 tội danh sau đây:

- Tội hoạt động phỉ (Điều 83 BLHS hiện hành);

- Tội tảo hôn (Điều 147 BLHS hiện hành);

- Tội kinh doanh trái phép (Điều 159 BLHS hiện hành);

- Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167 BLHS hiện hành);

- Tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quy chế hành chính (Điều 269 BLHS hiện hành).

Tôi đồng tình với loại ý kiến nhất trí bãi  bỏ các tội danh nêu trên, vì đây là những tội danh không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Hơn nữa, trên thực tế hầu như các Tòa án chưa xét xử hoặc xét xử rất ít về các tội phạm này (ví dụ như tội hoạt động phỉ). 

b) Về việc bổ sung các tội danh mới

Dự thảo BLHS (sửa đổi) dự kiến bổ sung 37 tội danh mới sau đây: 

- Tội khiêu dâm trẻ em (Điều 146); tội mua bán, chiếm đoạt mô, tạng, các bộ phận cơ thể người (Điều 153);

- Tội đăng ký con nuôi, nhận cha, mẹ, con trái pháp luật (Điều 184); tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật (Điều 185); tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 189);

- Tội vi phạm quy định về sử dụng điện (Điều 201); tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 216); tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 217); tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 218);

- Tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 219); tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 220); tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Điều 221); tội vi phạm quy định về hoạt động bán đáu giá tài sản (Điều 222); tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình thủy lợi, hồ chứa, liên hồ chứa, đê điều và công trình phòng, chống thiên tai (Điều 234); tội vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông, các công trình về tài nguyên nước (Điều 235);

- Tội tàng trữ trái phép cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 245); tội vận chuyển trái phép cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 246); tội mua bán trái phép cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 247); tội chiếm đoạt cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 248);

- Tội rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ (Điều 270); tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm đùng để tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 294); tội truy cập trái phép tài khoản ngân hàng của tổ chức, cá nhân chiếm đoạt tài sản (Điều 300); tội cố ý xâm phạm, tấn công vào trạm trung chuyển Internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia (Điều 301); tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 302); tội cố ý gây nhiễu có hại (Điều 303); tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa về tài khoản ngân hàng (Điều 304); tội sản xuất mua bán, tàng trữ, lưu hành thẻ ngân hàng giải để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 305); tội thiết lập, quản trị, điều hành website để kinh doanh trái phép tiền điện tử, dịch vụ, hàng hóa trên mạng máy tính (Điều 306); tội cưỡng bức lao động (Điều 309); tội bắt cóc con tin (Điều 314); tội cướp biển (Điều 315);

- Tội vi phạm quy định về giam giữ  (Điều 401); tội không tôn trọng tòa án (Điều 404); tội ra mệnh lệnh trái pháp luật (Điều 406);

- Tội thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ công tác quân sự gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 409); tội vắng mặt trái phép (Điều 416); tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sỹ (Điều 433).

Tôi đồng ý với loại ý kiến: đồng tình với việc bổ sung các tội danh này và cho rằng việc bổ sung này là tương đối bao quát các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền về an sinh xã hội, quyền sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2015.

lawvietnam