Quan điểm luật sư bào chữa các bị cáo: Lại Văn Quân, Nguyễn Văn Điền, Trần Quang Tuấn

Ngày cập nhật: 01/09/2015
Quan điểm luật sư bào chữa các bị cáo: Lại Văn Quân, Nguyễn Văn Điền, Trần Quang Tuấn phạm tội “ Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Tham ô tài sản”.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
--------------*---------------

QUAN ĐIỂM BÀO CHỮA

cho các bị cáo: Lại  Văn Quân, Nguyễn Văn Điền, Trần Quang Tuấn
trong vụ án hình sự “ Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Tham ô tài sản”.  

Kính thưa HĐXX Tòa án Nhân dân cấp cao!

Tôi là Phan Thị Hương Thủy thuộc Công ty luật TNHH Hoàng Long –Đoàn luật sư thành phố Hà Nội xin trình bày quan điểm bào chữa cho các bị cáo:
-Lại Văn Quân nguyên Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong (từ tháng 11/2000 đến 5/2010) phạm các tội: “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” ( điều 165 Bộ luật hình sự) và “Lừa đảo chiếm đảo tài sản” (điều 139 BLHS).
 -Nguyễn Văn Điền nguyên Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong (từ 6/2010 đến 7/2013) phạm các tội: “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”  và “Tham ô tài sản” (điều 278 BLHS).
  -Trần Quang Tuấn nguyên kế toán  trưởng của phường Lê hồng Phong (dưới thời 2 chủ tịch).

Cụ thể như sau:

Tại bản án sơ thẩm số 11/2014/HSST ngày 21/7/2014 của Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam đã quyết định xử phạt:
- Bị cáo Lại Văn Quân 7 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (bị áp dụng điểm d khoản 2 điều 165) và 2 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đảo tài sản” (bị áp dụng khoản 1 điều 139). Tổng hợp hình phạt chung là 9 năm tù.

-Bị cáo Nguyễn Văn Điền 6 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (áp dụng điểm d khoản 2 điều 165) và 4 năm tù về tội “Tham ô tài sản” (áp dụng khoản 1 điều 278). Tổng hợp hình phạt chung là 10 năm tù.
-Bị cáo Trần Quang Tuấn 11 năm tù về tội: “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (bị áp dụng khoản 3 điều 165) và 2 năm tù về tội “Tham ô tài sản” (áp dụng khoản 1 điều 278). Tổng hợp hình phạt chung là 13 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Quân phải bồi thường số tiền 365.729.800 đồng, bị cáo Tuấn bồi thường 329.295.525 đồng, bị cáo Điền bồi thường 329.2995.525 đồng trả lại công quỹ Nhà nước thông qua UBND thành phố Phủ Lý.
Buộc bị cáo Quân bồi hoàn 37.966.000đ để trả lại Phòng lao động thương binh và xã hội thành phố Phủ Lý. 
Sau khi tòa án cấp sơ thẩm xử cả 3 bị cáo đều có đơn kháng cáo kêu oan, tại phiên tòa 3 bị cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xin giảm nhẹ hình phạt và trách nhiệm dân sự (vì số tiền các bị cáo phải bồi thường đã chi cho hoạt động của phường).Nên quan điểm bào chữa của tôi cho 3 bị cáo theo hướng giảm nhẹ hình phạt và trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên với trách nhiệm của luật sư tôi cũng xin đưa ra yêu cầu đề nghị HĐXX xem xét tội danh cho 3 bị cáo theo quan điểm của tôi là chưa chính xác.
(Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: Người bào chữa có quyền “đưa ra yêu cầu”  (điểm đ khoản 2) và có nghĩa vụ “Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo (điểm a khoản 3). )
Tuy các bị cáo đều nhận tội nhưng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì “ Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án” và “Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội” (khoản 2 điều 72).

Việc nêu ý kiến về tội danh nhất là tội cố ý làm trái quy định tại điều 165 BLHS cũng là nhằm mục đích đề nghị Tòa án cân nhắc khi lượng hình phạt cho các bị cáo vì số năm tù mà các bị cáo phải chịu chủ yếu là vì tội này.

Quan điểm bào chữa của tôi gồm 2 phần:

Phần thứ nhất: Đề nghị xem xét lại tội danh cho các bị cáo.
Theo tôi thì chưa đủ cơ sở để tuyên bố các bị cáo Lại Văn Quân, Nguyễn Văn Điền, Trần Quang Tuấn phạm các tội quy định tại điều 165, 139 và 278 BLHS tôi xin phân tích như sau:
1-Đối với tội “Cố ý làm trái quy định quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cả 3 bị cáo đều bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố phạm tội này. Bộ luật hình sự năm 1999 quy định như sau:
Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng .
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm”.

Sở dĩ tôi cho rằng chưa đủ yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái vì các lý do sau:

(i) Chưa chứng minh được hành vi làm trái của các bị cáo là vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Tại phiên tòa bị cáo Quân và bị cáo Điền đã trả lời câu hỏi của luật sư là “ngoài mục đích chi tiền cho hoạt động thường xuyên của phường do mới thành lập nguồn thu từ ngân sách không đủ thì không có động cơ mục đích nào khác” và “ nếu có đủ kinh phí hoạt động cho phường, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của thành phố thì không bao giờ có hành vi để lại tiền không nộp ngân sách theo quy định”. Kết quả điều tra của cơ quan công an cũng không thể hiện hành vi của các bị cáo vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Theo lý thuyết về cấu thành tội phạm thì bắt buộc của mặt chủ quan của tội cố ý làm trái là: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện tội phạm do vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác. Tức là phải có hành vi làm trái do vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác. Nếu hành vi làm trái các quy định của bị cáo mà không vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân thì không cấu thành tội này.

(ii) Chưa chỉ ra được điều luật cụ thể mà các bị cáo làm trái. Vì mặt khách quan của tội này quy định chỉ khi các bị cáo có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế. Các quy định của Nhà nước phải là quy định của Nhà nước có thẩm quyền thuộc đối tượng của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
 Trong vụ án này các bị cáo bị cáo buộc có hành vi làm trái Luật ngân sách cụ thể tại trang 5 của bản án sơ thẩm kết luận: “Kết quả làm việc của cơ quan điều tra với UBND tp. Phủ Lý xác định việc làm của lãnh đạo và phòng ban chuyên môn của UBND phường Lê Hồng Phong trong việc chuyển quyền sử dụng đất, thu tiền đất dãn dân và thực hiện Kế hoạch 566 nhưng không nộp ngân sách, không báo cáo thành phố là sai với quy định của Luật ngân sách, luật dự toán ngân sách hàng năm của cấp ngân sách”. Kết luận này căn cứ vào bút lục 2115, 2116 là Kết luận của UBND thành phố Phủ Lý xác định hành vi của các bị cáo là để ngoài sổ sách để chi tại phường Lê Hồng Phong từ 2004 đến 2012  là 2.086.655.000 đồng từ nguồn thu như: tiền đất giãn dân, chuyển nhượng trái phép đất và truy thu tiền sử dụng đất để chi tại đơn vị. Trong đó có 1.305.182.100 đồng chi cho hoạt động thường xuyên của phường không có khả năng thu hồi.
Nếu tòa án cấp sơ thẩm chỉ xác định như trên thì mới chỉ ra được hành vi của các bị cáo làm trái Luật ngân sách nhưng chưa chỉ rõ trái điều luật nào của Luật. 

(iii) Hành vi của các bị cáo chưa đến mức phải xử lý hình sự. Đối chiếu vào Luật ngân sách nhà nước năm 2002 thì thấy:
Điều 72. Những hành vi sau đây là những hành vi vi phạm pháp luật về ngân sách:
1. Che dấu nguồn thu, trì hoãn hoặc không thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước;
2. Cho miễn, giảm, nộp chậm các khoản nộp ngân sách và sử dụng nguồn thu trái quy định hoặc không đúng thẩm quyền,
3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách và tài sản của Nhà nước;
4. Thu sai quy định của pháp luật;
5. Chi sai chế độ, không đúng mục đích, không đúng dự toán ngân sách được giao;
6. Duyệt quyết toán sai quy định của pháp luật;
7. Hạch toán sai chế độ kế toán của Nhà nước và Mục lục ngân sách nhà nước;
8. Tổ chức, cá nhân được phép tự kê khai, tự nộp thuế hoặc đề nghị hoàn thuế mà kê khai sai, nộp sai;
9. Quản lý hóa đơn, chứng từ sai chế độ; mua bán, sửa chữa, làm giả hóa đơn, chứng từ; sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp;
10. Trì hoãn việc chi ngân sách, quyết toán ngân sách;
11. Các hành vi khác trái với quy định của Luật này và những văn bản pháp luật có liên quan.
Nếu căn cứ vào kết luận của UBND thành phố Phủ lý thì các bị cáo làm trái khoản 1 điều 72 tức là không có hành vi chiếm đoạt mà chỉ là hành vi “ không thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước” nên theo tôi không thể xử lý hình sự đối với các bị cáo vì điều 73 Luật ngân sách nhà nước năm 2002 quy định các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm Luật như: “ Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về Ngân sách thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Với quy định nêu trên về các chế tài  cho thấy Luật ngân sách nhà nước cũng đã quy định không phải hành vi làm trái nào cũng bị xử lý hình sự, mà có thể bị xử lý các biện pháp phi hình sự như xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, bồi thường dân sự. Do đó tôi cho rằng việc xử lý hình sự đối với hành vi này là không cần thiết vì chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn về lý thuyết tội phạm học thì hoàn toàn không thể truy cứu trách nhiệm hình sự vì chưa cấu thành tội phạm mà tôi sẽ chứng minh.
(iv) Chưa chứng minh được hậu quả nghiêm trọng: Tiếp theo dấu hiệu quan trọng của mặt khách quan của tôi cố ý làm trái có tính chất bắt buộc là hành vi làm trái chỉ cấu thành tội phạm khi gây hậu quả nghiêm trọng: Việc bản án sơ thẩm áp dụng điểm d khoản 2 của điều 165 BLHS đối với bị cáo Quân và bị cáo Điền cáo buộc “ gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác” còn bị cáo Tuấn bị áp dụng khoản 3 điều 165 là “ phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên….” là không có căn cứ vì tội phạm chỉ coi là hoàn thành khi gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng trở lên hoặc dưới mức này nhưng trước đó đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm. Gây hậu quả nghiêm trọng ở đây có thể là thiệt hại về vật chất cụ thể hoặc có thể là về chính trị, xã hội như gây tâm lý hoang mang trong xã hội, làm ảnh hưởng xấu tới những hoạt động quản lý kinh tế khác…..nhưng trong hồ sơ vụ án không thể hiện được các dấu hiệu về thiệt hại này. Tôi cho rằng hành vi của các bị cáo không gây thiệt hại nghiêm trọng. Điều này đã được minh chứng bằng rất nhiều lá đơn với rất nhiều chữ ký của nhân dân địa phương, các ban ngành đoàn thể của UBND phường Lê Hồng Phong đề nghị xin giảm án cho các bị cáo. 

Tại trang 5 bản án sơ thẩm xác định có 2.086.655.000 đồng để ngoài sổ sách để chi không đúng Luật ngân sách nhà nước nhưng chỉ có 1.305.182.100 đ là không có khả năng thu hồi. Còn một nửa số tiền đã chi được chấp nhận bao gồm:
-Chi xây dựng cơ bản: 652.907.900 đồng: sẽ được nghiệm thu.
-Chi cho 1 số cán bộ phường vay cá nhân: sẽ thu hồi được vì có chứng từ vay. Khi xét xử sơ thẩm có thu hồi 1 số nhưng vẫn dược tòa án cấp sơ thẩm xác định có khả năng thu hồi vì có tên người vay cụ thể và có giấy tờ. Thực tế đến nay đã thu hồi xong.
- Riêng đối với khoản tiền 1.305.182.100 đồng -là số tiền chi cho các hoạt động thường xuyên của phường từ năm 2004 đến 2012 –Tòa án cấp sơ thẩm cho là không có khả năng thu hồi (số tiền này cũng là căn cứ định khung hình phạt) là không có căn cứ.
Vì trong hồ sơ thể hiện các khoản chi cho hoạt động thường xuyên đều đúng đối tượng và có sổ sách có người ký nhận và số tiên cụ thể nên hoàn toàn có khả năng thu hồi. Các ban ngành đoàn thể của phường cũng xác nhận các khoản chi cho bộ phận của mình là đúng và hợp pháp. Do đó có thể coi các khoản chi này là tạm thu là căn cứ để UBND phường đề nghị thành phố cấp ngân sách chi để thanh toán. Nên không thể kết luận “không có khả năng thu hồi” để buộc các bị cáo phải chịu tội cố ý làm trái quy định tại điều 165 BLHS. 
 (v) Tôi thấy rằng việc cáo buộc hành vi “không nộp ngân sách nhà nước, để ngoài sổ sách tài chính kế toán để chi cho các hoạt động thường xuyên của phường Lê Hồng Phong” là tội cố ý làm trái quy định tại điều 165 BLHS thể hiện sự khiên cưỡng trong việc xác định tội danh. Hơn nữa trong dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi đang đưa ra lấy ý nhân dân thì tội cố ý làm trái cũng đang nằm trong lộ trình xem xét bỏ để đưa các quy định cụ thể trong dự thảo Bộ luật hình sự để khăc phục những bất cập nêu trên.

Do đó trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án và căn cứ vào phân tích của tôi thì tôi cho rằng các bị cáo không phạm tội Cố ý làm trái theo quy định của điều 165 Bộ luật hình sự.

Tôi đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại tình tiết này vì có lợi cho các bị cáo để cân nhắc lại hình phạt và giảm bồi thường thiệt hại dân sự cho các bị cáo.

2-Đối với tội tham ô tài sản.
Theo bản án sơ thẩm thì bị cáo Điền và bị cáo Tuấn bị cáo buộc có hành vi tham ô 12.000.000 đồng tiền để chia nhau: Điền được 6.000.000 đồng, Tuấn và Bình mỗi người được 3.000.000 đồng nhưng đối với tội này án sơ thẩm phân tích sơ sài, không cụ thể về nguồn gốc số tiền 12.000.000 đồng từ đâu mà có. Còn theo Cáo trạng số 09/KSĐT ngà 13/5/2014 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà nam thể hiện trước khi bị cáo Điền làm Chủ tịch phường, Tuấn và Bình nâng khống giá mua bàn ghế, phông rèm trang bị cho Nhà văn hóa để hưởng chênh lệch 12.000.000 đồng. Hàng thì mua của Vũ Vă Tuyên nhưng Tuyên không có Công ty nên nhờ cơ sở của Phạm Văn Thanh xuất hộ hóa đơn, Tuấn và Bình yêu cầu Thanh chi trước 12 triệu thì mới làm thủ tục chuyển khoản tiên cho Thanh để trả cho Tuyên.

Do vậy việc án sơ thẩm cáo buộc 2 bị cáo phạm tội này (theo khoản 1 điều 278 BLHS) là không đúng. Bộ luật hình sự quy định như sau:
Điều 278. Tội tham ô tài sản 
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Để truy cứu trách nhiệm 1 người phạm tội tham ô trước hết phải xác định được người đó có trách nhiệm quản lý (trực tiếp hay gián tiếp) tài sản không và tiếp theo phải xác định người đó có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản mà mình đang quản lý. Tôi cho rằng hành vi của các bị cáo không cấu thành tội tham ô tài sản vì các căn cứ vào lý thuyết cấu thành tội phạm thì:
(i) Chủ thể của tội tham ô là chủ thể đặc biệt cụ thể là người có chức vụ quyền hạn quản lý tài sản. Tội tham ô là tội cấu thành vật chất, tội phạm được hoàn thành kể từ thời điểm kẻ phạm tội chiếm đoạt được tài sản (mà mình đang quản lý).
(ii) Dấu hiệu bắt buộc tiếp theo của tội tham ô là tính chất tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý (trực tiếp hoặc gián tiếp) phải thuộc sở hữu nhà nước (của phường Lê Hồng Phong) hoặc của cá nhân (cụ thể là ông Thanh) nhưng tạm thời nằm dưới sự quản lý hợp pháp của người phạm tội thì khi bị chiếm đoạt mới cấu thành tội này.
Vì số tiền 12 triệu là của Thanh đưa cho các bị cáo chia nhau chứ không lấy từ số tiền chuyển từ tài khoản của phường Lê Hồng Phong do đó không thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm đó là người có chức vụ, quyền hạn đang quản lý (trực tiếp hoặc gián tiếp) và có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn đó để chiếm đoạt tài sản (cụ thể 12 triệu). 
 Ngoài ra số tiền mà các bị cáo chia nhau là rất nhỏ nên việc tòa án cấp sơ thẩm phạt bị cáo Điền 4 năm tù (được chia 6 triệu) và bị cáo Tuấn 2 năm tù (được chia 3 triệu) là quá nặng. Cả hai bị cáo cũng đã nộp lại số tiền này.

3- Đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại trang 9 của bản án sơ thẩm cáo buộc bị cáo Quân có hành vi cố ý làm hồ sơ thương binh giả để đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét công nhận là thương binh (cụ thể là được Bộ tư lệnh quân khu 3 cấp giấy chứng nhận thương binh) để hưởng chế độ trợ cấp thương tật hàng tháng từ 1/10/2005 đến 31/7/2013 chiếm hưởng ngân sách số tiền 37.966.000đồng do Phòng lao động thương binh và xã hội thành phố Phủ Lý chi trả nên bị áp dụng khoản 1 điều 139 BLHS. Tôi cho rằng với phân tích sơ sài như  bản án sơ thẩm thì không thể cáo buộc bị cáo Quân  phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án tôi thấy kết quả điều tra cũng không chứng minh được bị cáo Quân phạm tội. Cụ thể  Bộ luật hình sự quy định về tội này như sau:
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Về mặt khách quan của tội phạm phải thể hiện hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt. Mối liên hệ giữa hai hành vi này là hành vi gian dối là điều kiện thực hiện hành vi chiếm đoạt và hành vi chiếm đoạt là mục đích của hành vi gian dối. Cấu thành tội phạm của tội này là người phạm tội bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Như vậy để kết tội cho bị cáo Quân phải chứng minh Quân có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền do Phòng LQĐTB và XH thành phố Phủ Lý chi trả hàng tháng.  Nhưng theo hồ sơ thể hiện Bình đi mua bộ hồ sơ cho Quân ký rồi Bình đi nhờ ông Thụ và ông Sơn làm hồ sơ thương binh cho Quân. Hồ sơ của Quân đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt và xác nhận như: Bộ tư lệnh quân khu 3 (người ký cấp hàm Trung tướng), Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà nam, Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Hà nam, Phòng lao động thương binh xã hội thành phố Phủ Lý là đơn vị cuối cùng có thẩm quyền chi trả tiền cho Quân. Như vậy hồ sơ của Quân là thật chỉ có Quân không phải bị thương thật.  Nếu theo dấu hiệu của tội này thì hành vi gian dối của Quân chỉ là ký vào hồ sơ do Bình đưa sau đó Bình đưa nhờ các đối tượng khác làm cho Quân được hưởng chế độ chứ không phải có hành vi gian dối đối với Phòng LĐTBXH để cơ quan này tin là thật và chi trả tiền cho Quân. Nhưng tại trang 9 Cáo trạng kết luận: “ không có căn cứ làm rõ quá trình làm hồ sơ thương binh giả của Bình, Quân và các đối tượng có liên quan (Bút lục 2178, 2179, 3115, 3117…). Nếu không thỏa mãn các dấu hiệu nên trên thì không thể buộc bị cáo Quân phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (nhưng vẫn có thể áp dụng các biện pháp phi hình sự để xử lý và thu hồi tiền cho Nhà nước). 
Trên đây là quan điểm của tôi với tư cách luật sư đề nghị HĐXX xem xét.

Phần thứ 2: Vì các bị cáo không kêu oan mà chỉ đề nghị xem xét giảm hình phạt và trách nhiệm dân sự nên tôi đề nghị HĐXX nếu vẫn xác định các bị cáo có tội thì cân nhắc đánh giá lại các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ và qua quá trình thẩm vấn lại vụ án tôi thấy bản án sơ thẩm đưa ra quyết định hình phạt như trên đối với 3 bị cáo là quá nặng, gây thiệt thòi cho các bị cáo, không đảm bảo nguyên tắc răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Đó là sai phạm của bản án sơ thẩm mà tòa án cấp phúc thẩm phải khắc phục.
Căn cứ điểm b khoản 2 điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự quy định Tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền sửa bản án sơ thẩm.
Căn cứ điểm c và điểm d khoản 1 điều 249 BLTTHS thì Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm về: “giảm hình phạt cho bị cáo” và “giảm mức bồi thường thiệt hại”. 

Tôi đề nghị HĐXX xem xét lại các căn cứ quyết định hình phạt quy định tại điều  45 Bộ luật hình sự. Điều này quy định như sau: “ Khi quyết định hình phạt, Toà án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”.

Tôi cho rằng tòa án cấp sơ thẩm đã không thực hiện đúng điều 45 nên mới đưa ra các mức án rất nặng cho các bị cáo cụ thể:
-Chưa chứng minh được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Tôi cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo không mang tính chất nghiêm trọng và mức độ nguy  hiểm không cao cho xã hội thể hiện ở việc có hàng trăm chữ ký của nhân dân tại phường Lê Hồng Phong gửi Tòa án cấp cao đề nghị xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Đây là tình tiết quan trọng để tòa án cấp phúc thẩm xem xét cân nhắc đánh giá quyết định hình phạt bởi chỉ có hành vi nào có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cao, thể hiện sự phẫn nộ, bức xúc của dư luận của nhân dân thì mới đáng chịu hình phạt nghiêm khắc. Đó cũng là nguyên tắc nhân đạo của Bộ luật hình sự của nước ta. 

-Về nhân thân của người phạm tội: trong bản án sơ thẩm thể hiện bị cáo Điền và bị cáo Tuấn nhân thân tốt vì chưa có tiền án tiền sự. Nhưng chi tiết này đã khồng được tòa án cấp sơ thẩm áp dụng cho 2 bị cáo thể hiện ở mức hình phạt đối với 2 bị cáo là rất nặng.
-Về áp dụng các tình tiết giảm nhẹ: Tôi cho rằng tòa án cấp sơ thẩm đã bỏ sót các tình tiết giảm nhẹ  quy định tại khoản 1 điều 46 BLHS năm 1999 cho các bị cáo.

1-Đối với bị cáo Lại Văn Quân:
+ Các tài liệu chứng cứ bổ sung thêm :
-Đơn xin giảm án của tập thể nhân dân có xác nhận ý kiến của UBND phường Lê Hồng Phong và cơ quan đoàn thể của phường xin giảm án cho bị cáo (đây là tình tiết mới).
- Huy chương kháng chiến hạng Nhì do Chủ tịch nước phong tặng cho bố bị cáo là ông Lại Văn Châm (đây là tình tiêt mới).
- Đơn xin giảm án của mẹ già của bị cáo cụ Lại Thị Vê
- Các huân, huy chương, bằng khen về thành tích của bị cáo đã được luật sư nộp cho tòa.
+Tôi đề nghị HĐXX áp dụng 4 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 46 BLHS cụ thể:
+ Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: áp dụng điểm b: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” vì lý do: sau phiên tòa sơ thẩm gia đình bị cáo đã khắc phục nộp số tiền 5,2 triệu đồng.
+ Tội cố ý làm trái: áp dụng điểm e: “Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra” vì lý do: Tại phiên tòa đại diện phường Lê Hồng Phong cũng đã đề nghị HĐXX xem xét yếu tố khách quan là hoàn cảnh phạm tội của các bị cáo là do phường mới thành lập, nguồn thu từ ngân sách không có và không đủ, trong khi rất nhiều hoạt động phải thực hiện cần có kinh phí thì mới triển khai thực hiện theo yêu cầu của thành phố và của nhân dân. Ý kiến này của phường hoàn toàn phù hợp với kết quả điều tra và nhận định của án sơ thẩm.
+ Đối với cả hai  tội: áp dụng điểm p “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”.
+ Đối với cả hai  tội: áp dụng điểm s “Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác” vì lý do tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đã cung cấp nhiều huân, huy chương, giấy khen trong thời gian đi bộ đội và công tác tại phường.
Bản án sơ thẩm mới áp dụng các tình tiết quy định tại điểm  b, p, s chưa áp dụng điểm e cho bị cáo.

2- Bị cáo Nguyễn Văn Điền: 
+ Có các tình tiết giảm nhẹ được bổ sung tại giai đoạn phúc thẩm:
- Đơn xin giảm án cho bị cáo của tập thể nhân dân và của UBND phường Lê Hồng Phong cùng xác nhận của các ban ngành
- Đơn xin giảm án của vợ là Lại Thị Lan trình bày về hoàn cảnh gia đình khó khăn vợ phải nuôi hộ bà cô của bị cáo bị bệnh thần kinh
- Có nhiều huân huy chương, bằng khen huân, huy chương về thành tích công tác của bị cáo.
- Có thời gian đi bộ đội sau đó đã công tác 30 năm ở phường
- Bản thân bị cáo là thương binh sức khỏe yếu không chịu đựng được cảnh tù đày.
- Nhân thân tốt chưa tiền án tiền sự
+ Tôi đề nghị HĐXX áp dụng 4 tình tiết giảm nhẹ như đối với bị cáo Quân quy định tại khoản 1 điều 46 BLHS (b, p, s, e) trong đó  đặc biệt lưu ý chi tiết sau khi xét xử sơ thẩm gia đình bị cáo đã khắc phục nộp số tiền 31,5 triệu đồng.

3- Đối với bị cáo Tuấn:
+Các tình tiết giảm nhẹ chưa được áp dụng và mới cung cấp tại giai đoạn phúc thẩm:
- Nhân thân tốt chưa tiền án tiền sự
- Hoàn cảnh gia đình khó khăn, 2 con còn nhỏ, bố mẹ già yếu
- Bố của bị cáo là Trần Quang Khải được tặng  nhiều huân, huy chương do cống hiến cho đất nước.
- Có đơn xin giảm án của nhân dân và UBND phường cùng các ban ngành.
+Tôi đề nghị HĐXX áp dụng cho bị cáo Tuấn 4 tình tiết giảm nhẹ sau đây:
-Điểm b (vì đã khắc phục 5,2 triệu đồng sau xét xử sơ thẩm), 
-Điểm e, điểm p như đối với 2 bị cáo Quân và Điền đối với tội cố ý làm trái. 
-Ngoài ra đề nghị áp dụng điểm q “ Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm” lý do: Qua nghiên cứu hồ sơ tôi thấy các chứng từ sổ sách tài chính của phường Lê Hồng Phong qua hai đời Chủ tịch đều do bị cáo Tuấn cất giữ (còn bị cáo Q uân và bị cáo Điền không quản lý), trong quá trình điều tra bị cáo đã giao nộp đầy đủ cho cơ quan điều tra nên đã giúp việc điều tra được kết quả nhanh chóng nếu bị cáo không giao nộp đầy đủ hoặc tiêu hủy thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều tra nên theo tôi có thể áp dụng điểm này cho bị cáo.

+ Ngoài ra tôi đề nghị HĐXX đặc biệt lưu ý về vai trò đồng phạm bị cáo chỉ là thuộc cấp làm theo chỉ đạo của cấp trên. Tôi đề nghị HĐXX xem xét đánh giá lại vai trò đồng phạm của từng bị cáo theo quy định tại điều 53 Bộ luật hình sự vì tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá vị trí vai trò đồng phạm không chính xác gây thiệt thòi cho bị cáo.
Đối với tội cố ý làm trái thì bị cáo Tuấn chỉ là vai trò đồng phạm vì mặt chủ quan của tội phạm này yêu cầu người phạm tôi phải có chức vụ quyền hạn, còn người không có chức vụ quyền hạn thì chỉ là vai trò đồng phạm. Do đó bản án sơ thẩm xác định Tuấn ở khoản 3 điều 165 BLHS vì cho rằng làm qua hai đời chủ tịch nên phải chịu tổng số thiệt hại 1 trên 1 tỷ đồng là hoàn toàn vô lý. Tôi đề nghị nếu xác định mức thiệt hại để định khung cho Tuấn thì cũng chỉ tương ứng với số thiệt hại mà bị cáo Quân và Điền phải chịu chứ không cộng tổng thì mới công bằng.

+ Về trách nhiệm dân sự: Tôi đề nghị HĐXX xem xét yêu cầu của các bị cáo giảm số tiền chi hoạt động thường xuyên của phường vì số tiền này đã được các cá nhân ký xác nhận, các ban ngành, đoàn thể của phường và UBND phường Lê Hồng Phong xác nhận không phải do các bị cáo chiếm đoạt sử dụng riêng.

Trên đây là quan điểm luật sư đề nghị HĐXX cân nhắc khi lượng hình cho các bị cáo để ra mức án công bằng vừa đúng pháp luật vừa đủ sức răn đe phòng ngừa tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời.

Hà nội, ngày 28 tháng 8 năm 2015.
Luật sư 
Phan Thị Hương Thủy

lawvietnam