Quan điểm luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho ông Nghiêm Xuân Sơn trong vụ án chia thừa kế

Ngày cập nhật: 09/07/2014
Tôi - Phan Thị Hương Thủy, luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Hoàng Long là người bảo vệ quyền lợi cho Nguyên đơn là ông Nghiêm Xuân Sơn trong vụ kiện dân sự chia thừa kế, sau đây xin trình bày yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

************

Hà Nội, ngày  28 tháng 7 năm 2011.

 

QUAN ĐIỂM LUẬT SƯ

BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP

CHO ÔNG NGHIÊM XUÂN SƠN TRONG VỤ ÁN CHIA THỪA KẾ

 

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều  221 BLTTDS tôi – là người bảo vệ quyền lợi cho Nguyên đơn là ông Nghiêm Xuân Sơn trong vụ kiện dân sự xin chia thừa kế trình bày yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, cụ thể như sau:

 

A.   Các yêu cầu của Nguyên đơn:

1.     Đề nghị Tòa án xác định di sản thừa kế của bố mẹ ông Sơn là cụ Nghiêm Xuân Bảng và cụ Đỗ Thị Quý là 1 nhà cấp 4 xây gạch, lợp ngói, bếp, công trình phụ, sân trên thửa đất 720m2 tại thôn Giáp Nhất, xã Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội (Nay là các số nhà từ 56 đến 62 ? tổ 6 thôn Giáp Nhất – Nhân Chính – Thanh Xuân – Hà Nội).

2.     Đề nghị tòa án chia thừa kế theo pháp luật vì bố mẹ ông Sơn mất đi không để lại di chúc.

3.     Đề nghị Tòa án chia thừa kế cho 9 người con chung của cụ Bảng và cụ Quý và một người con riêng của cụ Bảng.

 

B. Các chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó.

Các tài liệu làm căn cứ giải quyết yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn là các chứng cứ do các đương sự xuất trình và Tòa án thu thập trong quá trình giải quyết vụ án từ năm 2006 đến nay.

Tôi xin đề nghị hướng giải quyết vụ án như sau:

- Vụ án chia thừa kế cho ông Nghiêm Xuân Sơn khởi kiện ngày ? 2006 đã được Tòa án Hà Nội giải quyết bằng bản án số 34/2008/DSST ngày 14/5/2008 xử chấp nhận chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cụ Nghiêm Xuân Bảng và cụ Đỗ Thị Quý.

- Sau khi Tòa án sơ thẩm xử ngày 19/6/2008 Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra quyết định kháng nghị bản án số 34/2008/DSST vì có những lỗi vi phạm như: Xác định thời điểm mở thừa kế của cụ Bảng chưa chính xác, xác định khối di sản của cụ Bảng và cụ Quý chưa chính xác, chưa làm rõ phần diện tích dôi ra hơn diện tích đất của cụ Bảng.

- Ngày 12/2/2009 vụ án đã được Tòa phúc thẩm TANDTC xét xử phúc thẩm bằng bản án số 21/2009/DSPT quyết định hủy toàn bộ án sơ thẩm để đưa về tòa án Hà Nội thu thập chứng cứ giải quyết lại vụ án từ đầu vì bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng ngoài những vi phạm như kháng nghị của Viện kiểm sát, bản án sơ thẩm còn không đưa đầy đủ những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vào vụ án, chưa xác định mà phần diện tích đất mà khi cụ Quý còn sống đã bán và cho các con.

Tại giai đoạn xét xử lần này tòa án đã thu thập làm rõ các vấn đề mà bản án phúc thẩm đã đặt ra, cụ thể:

1. Xác định di sản của người chết để lại: Các đương sự đều thống nhất xác định tài sản trên đất là căn nhà cấp 4 và các công trình trên đất tại thửa đất địa chỉ từ số 54 đến 62, tổ 6 - Giáp Nhất - Nhân Chính - Thanh Xuân - Hà Nội.

Chỉ có diện tích đất thì có nhiều số liệu và cũng nhiều vấn đề chưa được xác định chính xác của bản án sơ thẩm trước đây. Theo Hồ sơ thể hiện có 3 số liệu: diện tích 720m2 theo giấy Chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất do Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội cấp cho cụ Đỗ Thị Quý ngày ? 1956 thửa đất số 41 tờ bản đồ số 1. So với bản kê khai năm 1960 và 1978 chỉ có 620m2. Theo sổ mục kê và bản đồ năm 1995 thì diện tích 930m2 thửa số 27 bản đồ F48a-104-106 do cụ Đỗ Thị Quý đứng tên do các đương sự khai là đất lở xuống ao và bản án sơ thẩm lần 1 đã căn cứ vào diện tích này để chia. Còn theo kết quả đo đạc thực tế thì là 964,6m2 so với chứng nhận ban đầu thì dôi ra 244,6m2. Tại phiênd tòa ông Sơn đề nghị Tòa án căn cứ số liệu 720m2 để chia là có căn cứ vì đây là giấy chứng nhận có giá trị pháp lý đầu tiên.

2. Xác định hàng thừa kế: Bản án sơ thẩm xác định 9 người con của cụ Bảng và  cụ Quý là hàng thừa kế thứ nhất. Ngoài ra đối với cụ Bảng còn có thêm bà Diệp là có căn cứ.

3. Bản án sơ thẩm xác định các cụ Bảng và Quý mất đi không để lại di chúc nên giải quyết chia thừa kế theo pháp luật là có cơ sở.

4. Đối với diện tích dôi ra ông Sơn có quan điểm đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật.

5. Đối với các giao dịch mua bán do cụ Quý khi còn sống thực hiện các đương sự  không đề nghị giải quyết và người mua đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nên đề nghị giữ nguyên.

6. Đối với việc mua bán giữa các anh em của ông Sơn do không có chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa được cấp Giấy chứng nhận đề nghị Tòa án căn cứ Luật Đất đai giải quyết.

Luật sư

                                                                                                                (đã ký)

Phan Thị Hương Thủy

Một số hình ảnh tại phiên tòa sơ thẩm:
Picture 162.jpg

Picture 083.jpg

Picture 150.jpg

Picture 033.jpg
Quang cảnh phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp chia thừa kế tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội với lực lượng cảnh sát tư pháp để giữ trật tự cho tòa án làm việc và bảo đảm cho luật sư thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn.