Câu chuyện pháp lý: Bạo lực học đường và "quả bóng" trách nhiệm

Ngày cập nhật: 04/07/2014
Loạt bài "Bạo lực học đường và "quả bóng" trách nhiệm" được đăng trên báo Pháp luật & Xã hội

Bạo lực học đường và "quả bóng" trách nhiệm (Kỳ 4)

Cập nhật 09:53:35 - 28/10/2010

Đuổi học những học sinh được coi là "hư" không khó và cũng là phương án "tự bảo vệ" tốt nhất, đó là cách một số trường ở bậc phổ thông đang làm. Cách này bị dư luận phản đối kịch liệt vì cho rằng nó phản giáo dục.

>> Bạo lực học đường và "quả bóng" trách nhiệm (Kỳ 1)

>> Bạo lực học đường và "quả bóng" trách nhiệm (Kỳ 2)

>> Bạo lực học đường và "quả bóng" trách nhiệm (Kỳ 3)

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng?

Cuộc vận động "Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm" được TP Hà Nội khởi xướng từ những năm 80 của thế kỷ trước để xây dựng phong cách giáo viên Hà Nội đã trở thành phong trào chung của giáo viên cả nước. Kể cả trong lần tổng kết đầu tiên năm học 1988-1989 đến nay, những kinh nghiệm, những kỷ niệm của các cá nhân tiêu biểu đều cho thấy vai trò quan trọng của người giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục, cảm hóa các học sinh cá biệt.

Nếu các thầy cô đều có tình thương và trách nhiệm đối với các học sinh, nhất là học sinh hư, chắc chắn không thể nói những điều đó là vô nghĩa với các em. Có một bất cập trong giáo dục đang tồn tại: Học sinh vi phạm pháp luật phải vào trường giáo dưỡng, thậm chí bị đi tù. Những học sinh ngoan được các thầy cô yêu quí, nâng đỡ. Vậy những học sinh không đạt đến ngoan nhưng cũng không hư đến mức phải xử lý hình sự thì sẽ về đâu? Đó chính là vị trí của những học sinh được gọi là "cá biệt". Một thầy giáo đã nghỉ hưu tâm sự: "Hình như chúng ta đang làm những điều ngược với nguyên lý giáo dục, ngoan thì nhận, hư thì đuổi. Lẽ ra chính những học sinh hư mới cần nhà trường quan tâm hơn vì chỉ có sự quan tâm, chia sẻ mới cảm hóa được các em trở thành người tốt". Đuổi học sinh hư sang trường khác là trốn tránh trách nhiệm với xã hội, đẩy việc khó sang người xem việc giáo dục học sinh hư là sẽ dành cho ai?

Dạy học sinh “hư” dành cho ai?

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, "buộc thôi học" là hình thức xử lý kỷ luật nặng nhất trong các hình thức xử lý kỷ luật đối với học sinh THCS và THPT. Tuy nhiên, hình thức này ngoài tính răn đe, duy trì kỷ luật trong nhà trường, thì nó cũng có những "mặt trái" rất lớn, đôi khi không thể lường trước được.

Luật sư Đinh Thị An, Cty luật Minh Tâm phân tích, bị đuổi học, trẻ không còn được tới lớp, không được lĩnh hội kiến thức của thầy cô hàng ngày, cũng không được gặp gỡ, vui chơi cùng bạn bè ở trường lớp. Điều này tác động lớn tới tâm lý của học sinh, dễ gây sự chán nản, buông xuôi hoặc lo sợ, thiếu ý chí.

Nghỉ học, các em cũng không thể đi làm như một người lao động bình thường, vì bị hạn chế bởi độ tuổi, sức khỏe, trình độ, năng lực và kỹ năng làm việc, đặc biệt là đối với học sinh THCS, THPT. "Nhàn cư vi bất thiện", nghỉ học kéo dài, nếu gia đình không quản "chặt", các em thường tụ tập bạn bè xấu (thường cũng nghỉ học) để chơi bời lêu lổng, dễ bị nhiễm những thói hư tật xấu và vi phạm pháp luật như: Đua xe trái phép, đánh nhau, gây thương tích, trộm cắp, nghiện hút, cờ bạc… Như vậy, đuổi học không khiến trẻ ngoan lên mà nguy cơ hư hơn là rất nhiều.

Là người từng bào chữa cho nhiều bị cáo vị thành niên, đồng thời là phụ huynh của một học sinh đang học lớp 7 Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội, luật sư Phan Thị Hương Thủy, Trưởng VPLS Hoàng Long, Đoàn Luật sư Hà Nội thẳng thắn cho rằng, đuổi học trò hư, vi phạm kỷ luật nhà trường là phản giáo dục, là tiềm ẩn gánh nặng cho xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội! Theo luật sư Thủy, gia đình - nhà trường - xã hội là một khối "liên kết" để dạy dỗ các em, khi đến một lứa tuổi nhất định, các em phải đi học, phải được sự giáo dục của thầy cô. Tại sao Nhà nước phải có chính sách phổ cập giáo dục, phải xóa nạn mù chữ? Phải chăng là để mọi trẻ em, dù nghèo khó cũng phải được đến trường. Nhà trường chối bỏ, thử hỏi các em đi đâu, làm gì? Không dạy học sinh hư, không nhận học sinh hư có phải là một cách để "đùn đẩy" trách nhiệm cho xã hội, là nhà trường đã "đầu hàng" giáo dục? Có phải là cách “chỉ chọn việc nhẹ nhàng”.

Luật sư Thủy kịch liệt phản đối bạo lực học đường, vì hành vi đó ảnh hưởng đến đạo đức, thân thể học sinh khác, là gương xấu trong học sinh. Nhưng nhìn một cách khách quan, thì học sinh là trẻ vị thành niên, các em chưa đủ khôn, đủ lớn để nhận thức đầy đủ hậu quả hành vi của mình gây ra. Theo luật sư Thủy, nhà trường không thể bỏ qua hành vi vi phạm kỷ luật, nhưng không nên áp dụng hình phạt đuổi học, mà phải có các hình thức kỷ luật mang tính giáo dục răn đe chứ không phải trừng trị. Khi trẻ hư, nhà trường càng phải là chỗ dựa cho trẻ.

Từ kinh nghiệm của một người mẹ, luật sư Thủy cho hay, trẻ thường nghe lời thầy cô hơn cha mẹ; khi trẻ được cô giáo khen thường rất sung sướng; bị phê bình thì rất buồn; được bạn bè cổ vũ thì rất phấn khởi, và bị bạn "chơi xấu" thì rất phẫn uất... Giáo dục con người không phải việc làm một sớm một chiều, và giáo dục trẻ hư càng nan giải, do đó phải dựa trên tâm lý của trẻ để có phương pháp giáo dục phù hợp.

Thực hiện: / Nguồn: Pháp Luật & Xã Hội