Quan điểm luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Thị Năm can tội "Cướp tài sản" theo quy định tại điểm e k hoản 2 điều 133 BLHS

Ngày cập nhật: 24/07/2014
Tôi là luật sư Phan Thị Hương Thủy thuộc Công ty luật TNHH Hoàng Long (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Thị Năm bị Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Hoài Đức truy tố “tội cướp tài sản” theo quy định tại điểm e khoản 2 điều 133 của Bộ luật hình sự.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập –Tự do-Hạnh phúc

-----------------*------------------

QUAN ĐIỂM LUẬT SƯ

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Thị Năm can tội

“ Cướp tài sản” theo quy định tại điểm e khoản 2 điều 133 của Bộ luật hình sự

 

Kính thưa Hội đồng XXST Tòa án Nhân dân huyện Hoài Đức!

 

Tôi là luật sư Phan Thị Hương Thủy thuộc Công ty luật TNHH Hoàng Long (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Thị Năm bị Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Hoài Đức truy tố  “tội cướp tài sản” theo quy định tại điểm e khoản 2 điều 133 của Bộ luật hình sự, xin trình bày quan điểm bảo vệ cho bị cáo Nguyễn Thị Năm như sau:

1.     Thứ nhất: Tóm tắt vụ án:

Căn cứ hồ sơ và kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa thì thấy:

          Do bị cáo vay hộ tiền cho người bị hại nhưng người bị hại không trả được theo đúng cam kết (vay 70 triệu trả trong 1 tháng) mà chỉ trả được 10 triệu. Bị cáo không đòi được tiền lại bị người cho vay thúc ép và biết vợ chồng chị Tân có chiếc xe ô tô sắp bán. Do thiếu hiểu biết cụ thể (bị cáo nghĩ nếu người bị hại bán xe thì không trả được nợ cho bị cáo nên bị cáo), một phần do bức xúc vì bị hại không thực hiện trả tiền và bị người cho vay thúc giục nên bị cáo Năm đã thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật cụ thể: thuê Nguyễn Đức Vũ đòi nợ với thỏa thuận: đòi được 60 triệu thì trả công 20 triệu. Để thực hiện việc đòi nợ Vũ và đồng bọn đã thực hiện hành vi bắt giữ vợ chồng chị Tân, buộc đưa sổ đăng kiểm xe ô tô bắt viết giấy cầm cố xe ô tô và cưỡng đoạt tiền của họ cụ thể là 30 triệu đồng (và chỉ trả cho Năm 12 triệu đồng).

Ngày 7/2/2013 Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Hoài Đức ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 34 về tội bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Trong đó Nguyễn Thị Năm bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản theo điều 135 Bộ luật hình sự cùng với Đỗ Văn Sơn, Phùng Văn Trọng (theo  Quyết định số 183 ngày 2/5/2013). Còn hai bị cáo Đỗ Văn Sơn, Phùng Văn Trọng, ngoài tội cưỡng đoạt tài sản còn bị Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố về tội bắt giữ người trái pháp luật theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự.

Ngày 26/9/2013 Cơ quan CSĐT-Công an huyện Hoài Đức ra Quyết định số 02 về nhập vụ án hình sự. Ngày 23/10/2013 Cơ quan CSĐT-Công an huyện Hoài Đức ra Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can của các đối tượng từ tội Cưỡng đoạt tài sản sang tội Cướp tài sản theo quy định tại điều 133 Bộ luật hình sự.

Ngày 20/11/2013 Viện kiểm sát Nhân dân huyện Hoài Đức ra Cáo trạng số 125 truy tố Nguyễn Thị Năm tội Cướp tài sản theo điểm e khoản 2 điều 133 Bộ luật hình sự quy định: “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng”.

Theo quy định của điều luật nêu trên thì khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm.

Quan điểm của luật sư như sau:

1.     Về tội danh:

Lúc đầu cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố theo điều 123 Bộ luật hình sự : tội cưỡng đoạt tài sản. Viện kiểm sát Nhân dân huyện Hoài Đức cũng chấp nhận truy tố theo tội này. Nhưng sau đó Tòa án Nhân dân huyện Hoài Đức đã trả hồ sơ về để thay đổi tội danh sang tội cướp tài sản mà không có thêm tình tiết gì khác.

Theo quan điểm của luật sư, hành vi của các bị cáo chỉ cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản chứ không phải tội cướp tài sản vì:

- Thứ nhất: theo lời khai của các  bị cáo, người bị hại, việc Trọng, Cách đánh anh Nghi, chị Tân vì theo lệnh của Vũ là bảo anh chị Nghi Tân ra khỏi xe ô tô vào xe taxi của Vũ chỉ để Vũ đưa cho xem các giấy nợ. Do đó mục địch đánh không phải cướp tài sản.

- Thứ hai: Theo dấu hiệu khách quan của tội cướp tài sản phải là người bị hại bị tê liệt không thể chống cự được thì trong vụ án này không có những dấu hiệu đó. Cụ thể, lúc 21 giờ thì bọn Vũ chặn xe anh Nghi và đến 23 giờ thì cho hai vợ chồng về đến sáng  hôm sau (31/1/2013), chị Tân mới đưa 30 triệu.

- Thứ ba: Căn cứ vào hành vi của các bị cáo thì thấy không cấu thành tội Cướp tài sản mà chỉ là tội Cưỡng đoạt tài sản như Quyết định khởi tố ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra –Công an huyện Hoài Đức. Căn cứ bản Kết luận điều tra bổ sung ngày ..../2013 thì thấy không có tình tiết gì mới.

Nên theo tôi không có dấu hiệu của tội cướp mà chỉ có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản.

2.Về việc Viện kiểm sát truy tố bị cáo Năm theo điểm e khoản 2 điều 133 thì thấy chưa chính xác vì điểm e quy định về giá trị tài sản từ 50 triệu đồng trở lên nhưng trên thực tế thì số tiền mà bọn Vũ chiếm đoạt trái pháp luật chỉ là 30 triệu đồng chứ không phải là 60 triệu đồng. Cụ thể điểm e khoản 2 điều 133 Bộ luật hình sự quy định: “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng”. Nên theo tôi thì phải căn cứ vào số tiền 30 triệu đồng để xác định.

3. Về vai trò của bị cáo Năm trong vụ án:

Vụ án này có nhiều người tham gia nên cần phải phân tích vai trò của từng bị cáo.

Việc bị cáo Năm thuê Vũ đòi nợ thì đây là các quan hệ giao dịch dân sự, bình thường không trái pháp luật vì theo thực tế vẫn có những trường hợp đòi nợ thuê như vậy.

Dấu hiệu của tội phạm chỉ xuất hiện khi Nguyễn Đức Vũ cùng đồng bọn chặn xe của vợ chồng anh Nghi chị Tâm đang đi chở hàng để đưa đến căn hộ của Nguyễn Thị Ngân ở Trung Hòa, Nhân Chính và thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản (tiền) bằng cách bắt viết giấy cầm cố xe ô tô để làm điều kiện bắt buộc người bị hại phải đưa 30 triệu đồng, đến khi cưỡng đoạt tiếp 10 triệu thì bị bắt.

Trong vụ án này có sự tham gia của các đối tượng:

1.     Nguyễn Thị Năm: người cho vay tiền và người nhờ Vũ đòi nợ thuê với thỏa thuận đòi được 60 triệu thì trả 20 triệu.

2.     Nguyễn Đức Vũ: người tổ chức, thực hiện hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản.

3.     Phùng Văn Trọng: người giúp sức cho Vũ, vai trò : nhận tiền từ chị Tân

4.     Đỗ Văn Sơn: người giúp sức

Ngoài ra còn có các đối tượng khác nhưng đã tách ra thành 1 vụ án khác vì đang bỏ trốn.

-Đỗ Thúy Ngân: người cho Vũ mượn căn hộ làm địa điểm thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản

-Nguyễn Ngọc Cách (tức Cắt): người thực hiện việc hành hung vợ chồng anh Nghi chị Tân phải vào taxi nói chuyện với Vũ.

Xét về vai trò của từng bị cáo thì thấy:

- Bị cáo Năm: là người khởi xướng việc nhờ Vũ đòi nợ thuê nhưng chỉ thuần túy giao dịch dân sự: không có các dấu hiệu như tổ chức, lên kế hoạch, phân công chỉ đạo thực hiện nên được Viện Kiểm sát xếp thứ tự cuối cùng trong cáo trạng là đúng.

- Bị cáo Vũ: được xác định là có vai trò chỉ đạo, lên kế hoạch, phân công, thực hiện và quyết định việc chia tiền. Việc Vũ chiếm đoạt được 30 triệu mà chỉ trả cho Năm 12 triệu, còn chủ động lấy 18 triệu là trái với thỏa thuận bao đầu là đòi được 60 triệu mới được 20 triệu, nếu như đòi 30 triệu thì chỉ được tiền công là 10 triệu. Nhưng Vũ đã tự ý lấy 18 triệu, chỉ đưa cho Năm 12 triệu thể hiện việc Vũ mới là người quyết định chứ không phải là Năm.

          5. Về các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Năm:

Tôi thấy bị cáo Năm có 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự cụ thể:

-Điểm b quy định: Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.

          - Điểm p: Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Ngày 9/1/2013 bị hại là chị Nguyễn Thị Tân đã có giấy biên nhận việc bị cáo Năm tự nguyện khắc phục thiệt hại bồi thường cho bị hại là 12 triệu đồng-số tiền được bọn Vũ trả đồng thời vợ chồng chị Tân và anh Nghi cũng có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Năm.

Trong quá trình điều tra và xét xử thì thấy bị cáo Năm thể hiện thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải.

Vì vậy tôi đề nghị HĐXX xác định bị cáo có  tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra theo khoản 2 điều 46 Bộ luật Hình sự quy định“ Tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án”

Căn cứ điều 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/08/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì bị cáo Năm còn có các tình tiết giảm nhẹ khác như:

-Được người bị hại xin giảm nhẹ  hình phạt, thể hiện qua Đơn đề nghị miễn hình phạt của vợ chồng anh Nguyễn Văn Nghi và chị Nguyễn Thị Tân

- Người bị hại cũng có lỗi

Căn cứ điểm a mục 10 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/08/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì được áp dụng điều 47 Bộ luật Hình sự “Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 46 của Bộ luật này, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật.... Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ ràng trong bản án”.

Căn cứ khoản 1 điều 133 quy định “mức hình phạt tù từ 3 năm đến 10 năm tù.”

Tôi đề nghị Tòa án áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Nguyễn Thị Năm hưởng dưới khung hình phạt ở mức thấp nhất của khung hình phạt theo quy định tại khoản 1 điều 133 Bộ luật hình sự:

Căn cứ điểm a, điểm b điều 2 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 6/11/2013 của Hội đồng thẩm phán –Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng điều 60 của Bộ luật hình sự về án treo quy định về việc xem xét cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo khi thuộc trường hợp “ bị xử phạt tù không quá 3 năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng...(a) mà có nhân thân tốt (b).

Vì bị cáo Năm có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, không có tình tiết tăng nặng, có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng, hoàn cảnh gia đình của bị cáo có khó khăn, bị cáo có hai bố mẹ già và 4 con nhỏ nên quan điểm của luật sư đề nghị HĐXX không cần buộc phải chấp  hành hình phạt tù và cho bị cáo được hưởng án treo để bị cáo có điều kiện nuôi dạy gia đình và con cái.

 Xin cảm ơn HĐXX!

Hà Nội, ngày 10 tháng 1 năm 2014

Luật sư

                                                                                     (đã ký)

Phan Thị Hương Thủy

 Ngày 10/7/2014 Bị cáo đến Công ty Luật TNHH Hoàng Long chào tạm biệt Luật sư Phan Thị Hương Thủy - trước khi đi thi hành án.

        IMG_0297.JPG

       IMG_0295.JPG

       Bị cáo - chị Nguyễn Thị Năm đã ngồi cúng bái rất lâu trước bàn thờ ông địa của Công ty - nơi chị gửi gắm rất nhiều hi vọng.  Và dường như chị đã hoàn toàn hài lòng với mức án 4 năm tù giam (quá thấp so với đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân Hoài Đức). Nhưng trong lòng người luật sư  bào chữa cho chị lại còn nhiều trăn trở bởi hành vi phạm tội của Bị cáo không thỏa mãn dấu hiệu cướp tài sản quy định tại điều 133 Bộ luật Hình sự. Vậy có nên chăng đã đến lúc bổ sung thêm tội danh "Đòi nợ thuê" vào Bộ luật Hình sự để đảm  bảo sự công minh của pháp luật đối với những trường hợp như của chị Năm???