Quan điểm luật sư bảo vệ cho Công ty CP Đầu tư Thiết bị và In

Ngày cập nhật: 23/06/2014
Quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các Nguyên đơn trong vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp giữa các thành viên Công ty Cổ phần đầu tư Thiết bị và In

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập-Tự do-Hạnh phúc

-----------------*----------------

QUAN ĐIỂM LUẬT SƯ

BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CHO NGUYÊN ĐƠN TRONG VỤ ÁN KDTM 

TRANH CHẤP GIỮA CÁC THÀNH VIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THIẾT BỊ VÀ IN

 

Kính thưa Hội đồng xét xử,

 

Tôi là luật sư Phan Thị Hương Thủy thuộc VPLS Hoàng Long (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) xin trình bày quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các Nguyên đơn cụ thể như sau:

I. Về hình thức:

Thứ nhất: Về thẩm quyền.

Căn cứ nội dung đơn khởi kiện ngày 18/6/2010, đơn điều chỉnh đơn khởi kiện ngày 14/7/2010 với 3 yêu cầu khởi kiện: yêu cầu kiện đối với ông Đỗ Xuân Khải đề nghị tòa án công nhận biên bản và nghị quyết của HĐQT họp ngày 27/11/2009 và 31/12/2009- là tranh chấp giữa các thành viên trong công ty với nhau liên quan đến hoạt động của công ty; yêu cầu khởi kiện đối với bị đơn là Công ty xin hủy biên bản và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Công ty CPĐT Thiết bị và In họp ngày 28/5/2010 –là tranh chấp giữa công ty với các thành viên Công ty liên quan đến hoạt động của công ty.

Cả hai quan hệ pháp luật này là các tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định tại khoản 3 điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự

Thứ hai: Về việc Nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện.

Căn cứ đơn khởi kiện ban đầu thì Nguyên đơn khởi kiện bị đơn là ông Đỗ Xuân Khải chức vụ giám đốc Công ty CPĐTTB và in với 3 yêu cầu: Công nhận biên bản và nghị quyết HĐQT họp ngày 27/11/và 31/12/2009 và xin hủy biên bản và nghị quyết đại hội đồng cổ đông ngày 12/5/2010.

Ngày 21/1/2011 Nguyên đơn gửi đơn thay đổi người tham gia tố tụng đối với yêu cầu thứ ba. Cụ thể thay đổi bị đơn là Công ty CPĐTTB và in đối với yêu cầu xin hủy biên bản và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông ngày 12/5/2010.

Tại phiên tòa hôm nay Nguyên đơn xin thay đổi yêu cầu khởi kiện trình bày rõ thay đổi  về người tham gia tố tụng cụ thể khởi kiện bị đơn là Công ty CPĐTTB và in đối với yêu cầu xin hủy biên bản và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Công ty CPĐTTB và in ngày 28/5/2010.

Căn cứ khoản 1 điều 218 BLTTDS quy định quyền của Nguyên đơn về thay đổi yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm và căn cứ điều 6 chương II của Nghị quyết số 02 ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán –TANDTC hướng dẫn cụ thể điều này quy định: HĐXX chấp nhận việc Nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa nếu yêu cầu mới không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện thể hiện trong đơn khởi kiện.

Đối chiếu yêu cầu của Nguyên đơn thể hiện trong đơn khởi kiện ban đầu và yêu cầu tại phiên tòa cho thấy Nguyên đơn chỉ thay đổi bị đơn (là ông Đỗ Xuân Khải chức vụ giám đốc Công ty thành Công ty CPĐTTB và In),  còn vẫn giữ nguyên yêu cầu xin hủy biên bản và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Công ty CPĐTTB và in.

Việc thay đổi người tham gia tố tụng như trên phù hợp với Luật doanh nghiệp vì thời điểm tiến hành đại hội về mặt pháp lý ông Đỗ Xuân Khải vẫn là giám đốc Công ty –và cho đến nay ông Khải vẫn là giám đốc Công ty, đối với yêu cầu khởi kiện xin hủy biên bản và Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thì phải khởi kiện đối với Công ty chứ không phải đối với cá nhân ông Khải, nên tôi đề nghị HĐXX chấp nhận vì không vượt quá phạm vi khởi kiện.

3. Về thời hiệu khởi kiện.

Căn cứ đơn khởi kiện thì ngày 27/11/2009 và ngày 31/12/2009 HĐQT họp và thông qua biên bản và Nghị quyết. Ngày 18/6/2010 (sáu tháng sau) 3 trong số 5  thành viên khởi kiện xin tòa công nhận biên bản và nghị quyết của hai cuộc họp nói trên. Đối với yêu cầu thứ ba: theo đơn khởi kiện thì ngày 12/5/2010 Công ty CPĐTB và in tiến hành đại hội nhưng cả 3 Nguyên đơn chưa nhận được nhận biên bản họp Đại hội đồng cổ đông chỉ đến khi khởi kiện ra tòa thì các Nguyên đơn mới được bị đơn cung cấp. Như vậy thời điểm nhận được biên bản đại hội đồng cổ đông phải tính từ khi các nguyên đơn được sao chụp tại tòa . Căn cứ điều 107 Luật doanh nghiệp quy định trong thời 90 ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đong tyhif thành viên HĐQT có quyền yêu cầu tòa án xem xét ủy bỏ quyết định của đại hội đồng cổ đông trong trường hợp trình tự và thủ tục triệu tập họp đại hội đồng cổ đông không thực hiện đúng quy định này và điều lệ và trình tự thr tục ra quyết định và nội dung quyết định vi phạm pháp luật hoặc điều lệ công ty.

Như vậy về thời hiệu thì đảm bảo quy định của Luật doanh nghiệp.

II- Về nội dung.

- Đối với quan hệ pháp luật: yêu cầu công nhân biên bản và nghị quyết của 2 cuộc họp của HĐQT ngày 27/11/2009 và 31/12/2009.

Căn cứ vào các chứng cứ do nguyên đơn xuất trình và kết quả thẩm vấn tại phiên tòa thì thấy có cơ sở để chấp nhân yêu cầu này cùa nguyên đơn vì:

Trình tự thủ tục triệu tập họp HĐQT ngày 27/11/2009 và 31/12/2009 và thông qua nghị quyết phù hợp với điều lệ Công ty  năm 2007 (điều 22.1.9 ). Tuy ông Khải nói là không nhân được thông báo mời họp nhưng điều này mâu thuẫn với lời khai tại tòa

Về các hành vi vi phạm điều lệ công ty cụ thể vi phạm về quản lý, điều hành, về chi tiêu tài chính, thực hiện pháp luật về lao động đối với người lao động của ông Đỗ Xuân Khải thì đó là căn cứ để các thành viên HĐQT quyết định bãi miễn chức danh chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc công ty theo quy định tại điều lệ (điều 22.2; 21.2.b; 22.1.4; 20.1.1.; 20.1.3; ). Nhất là các hành vi sai phạm trong lĩnh vực tài chính, chi tiêu tiền không được sự đồng ý của HĐQT có mục đích tư lợi mà do chính ông Khải thừa nhân tại biên bản làm việc với công an ngày 8/1/2011 thực sự đã ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của công ty. Ông Khải còn chiếm giữ con dấu của Công ty và toàn bộ giấy tờ pháp nhân của Công ty để tự ý đóng dấu vào các văn bản, hợp đồng giao dịch với danh nghĩa công ty nhưng thực chất là danh nghĩa cá nhân của ông Khải. Điều này là không chấp nhận được và đã làm cho công ty không thể hoạt động như điều lệ và Luật doanh nghiệp. Đó là lý do mà các Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết để tạo điều kiện cho công ty ổn định hoạt động bình thường.

- Đối chiếu vào quy định cùa điều lệ Công ty CPĐTTB và in thì thấy: điều 21.4 điều lệ 2002 và điều lệ 2007 quy định “HĐQT bầu Chủ tịch HĐQT”; Điều 21.3 điều lệ 2007 quy định ‘trong trường hợp Chủ tịch HĐQT không làm được việc thì các thành viên còn lại bầu 1 người trong số các thành viên tạm thời giữ chức Chủ tịch HĐQT”.

- Đối chiếu vào quy định cùa điều lệ Công ty CPĐTTB và in thì thấy: điều 21.4 điều lệ 2002 và mục h điều 20.1.2 điều lệ 2007 quy định thẩm quyền của HĐQT “bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng chấm dứt hợp đồng với Tổng giám đốc”,

Vì vậy tôi đề nghị HĐXX chấp nhân yêu cầu của nguyên đơn công nhận biên bản và nghị quyết của 2 cuộc họp ngày 27/11 và 31/12/2009 để giúp công ty ổn định tiếp tục hoạt động.

- Đối với quan hệ pháp luật yêu cầu xin hủy bỏ biên bản và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 12/5/2006.

 

Căn cứ  điều 107 Luật doanh nghiệp quy định quyết định của đại hội đồng cổ đông bị hủy bỏ trong 2 trường hợp: 1) nếu trình tự và thủ tục triệu tập họp không đúng quy định cùa điều lệ (do HĐQT triệu tập theo quy định tại điều 16.1) theo khoàn 1 điều này  và 2) theo khoản 2 điều 107 tức là trình tự và thủ tục ra quyết định vi phạm điều lệ (không đảm bảo tỷ lệ thông qua).

Đối chiếu vào các chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã được thẩm vấn tại phiên tòa cho thấy có cơ sở để chấp nhân yêu cầu của nguyên đơn vì:

-          Theo quy định tại điều 16.1 điều lệ thì đại hội thường niên do HĐQT triệu tập. Nhưng trên thực tế chỉ có ông Khải ký giấy triệu tập họp chứ không phải quyết định của HĐQT. Điều 22.1.8 điều lệ 2007 và điều 18 Nghị định 139 ngày 5/9/2009 của Chính phủ quy định cuộc họp HDQT phải có ¾ thành viên có mặt họp và thông qua các công việc tiến hành đại hội cổ đông . Nhưng chỉ có 2/5 thành viên dự họp (là 2 bố con của ông Khải) mà ông Khải vẫn ký giấy triệu tập họp . Đó là căn cứ để chứng minh trình tự thủ tục triệu tập họp không đúng .

-          Mặt khác căn cứ quy định tại điều lệ và Luật doanh nghiệp thì quyết định của HĐQT có hiệu lực khi được thông qua với tỷ lệ 65% nhưng căn cứ vào kết quả kiểm phiếu thì chưa đạt 60% do 3 thành viên của công ty (3 nguyen đơn ) không biểu quyết trong khi tỷ lệ cổ đông dự họp là 96,83%.

-          Căn cứ giấy chứng nhân đăng ký kinh doanh cùa Công ty CPĐTTB và in do Phòng đăng ký kinh doanh thành phố Hà nội cung cấp thì công ty có 4 thành viên trong đó 3 thành viên là nguyen đơn nắm giữ 12.684 cổ phần chiếm 25,468%.

- Đối với yêu cầu phản bác của Bị đơn đối với yêu cầu của Nguyên đơn:

Thì không có chứng cứ để chứng minh trong khi ông Khải thừa nhân có những vi phạm tài chính thể hiện tại biên bản làm việc với cơ quan công an ngày …Căn cứ khoản 4 điều 79 BLTTDS quy định những tình tiết không phải chứng minh là sự thừa nhân của 1 bên. Nên đó là căn cứ để tòa án chấp nhận yêu cầu kiện của nguyên đơn.

Đề nghị cụ thể:

Căn cứ vào phân tích nêu trên tôi đề nghị HĐXX chấp nhân yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.

Xin trân trọng cảm ơn.

Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 2011.

Luật sư

(đã ký)

 Phan Thị Hương Thủy