Luật đất đai cần sửa đổi căn bản theo hướng bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với hộ nông dân cá thế

Ngày cập nhật: 05/03/2014
Sáng ngày 8 tháng Năm vừa qua, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện hành chính đầu tiên mở màn cho 128 vụ án hành chính của những người dân thuộc 6 xóm thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội diễn ra tại trụ sở Tòa án huyện Mỹ Đức nơi vào cuối năm ngoái đã xét xử sơ thẩm bác toàn bộ các yêu cầu khởi kiện đối với hành vi không lập phương án bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn xã Hương Sơn của UBND huyện Mỹ Đức.

* Khốc liệt khiếu kiện hành chính của người dân đất Phật Chùa Hương tại giai đoạn phúc thẩm 

* Dự thảo Luật đất đai năm 2013 cần quy định "hồi tố" (hiệu lực trở về trước) đối với đối tượng người nông dân khi bị thu hồi đất nông nghiệp

Sáng ngày 8 tháng Năm vừa qua, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện hành chính đầu tiên mở màn cho 128 vụ án hành chính của những người dân thuộc 6 xóm thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội diễn ra tại trụ sở Tòa án huyện Mỹ Đức nơi vào cuối năm ngoái đã xét xử sơ thẩm bác toàn bộ các yêu cầu khởi kiện đối với hành vi không lập phương án bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn xã Hương Sơn của UBND huyện Mỹ Đức.

Qua 5 tháng chuẩn bị xét xử phúc thẩm đã có thêm 2 người buộc phải rút đơn kiện nâng tổng số những người “nửa đường đứt gánh” lên 43 người trong tổng số 171 người khởi kiện ban đầu được Tòa Mỹ Đức thụ lý. Những người còn lại vẫn quyết tâm theo đuổi vụ kiện để đòi thêm 18.000 đồng cho một mét vuông đất (có nguồn gốc đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64) bị thu hồi vì vị trí đất thu hồi phải được áp dụng mức giá đất trồng cây lâu năm (126.000đ/m2) chứ không phải mức giá 108.000đ (đối với đất nông nghiệp thuần túy) như UBND huyện Mỹ Đức đã áp dụng để tính bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất vào tháng 12 năm 2010. Nhưng điều quan trọng không phải là giá bồi thường mà những người dân đất Phật Chùa Hương yêu cầu UBND huyện Mỹ Đức phải lập lại phương án bồi thường, hỗ trợ vào thời điểm thu hồi đất theo quy định tại điều 30, 31 Nghị định 69 ngày 13/8/2009 của Chính phủ và yêu cầu được nhận quyết định phê duyệt phương án chi tiết đến từng hộ gia đình. Căn cứ vào đó để xác định cụ thể hộ nào có đất bị ảnh hưởng bởi dự án, hộ nào không bị ảnh hưởng, diện tích đất còn lại sau khi thu hồi bởi vì việc UBND xã Hương Sơn thu hồi đất của dân trước (năm 2006 thông qua việc dồn ô đổi thửa) rồi UBND huyện Mỹ Đức mới ra quyết định thu hồi đất sau (năm 2011) nhằm mục đích hợp thức việc quản lý đất đai. Do không thực hiện kiểm đếm, đo đạc khi lập phương án bồi thường theo quy định của luật đất đai nên để xẩy ra tình trạng có hộ không bị thu hồi đất nhưng lại được nhận tiền bồi thường, trong khi có hộ bị thu hồi nhiều nhưng chỉ được nhận bồi thường ít (không đủ diện tích) cụ thể xóm 11 thiếu 12m2/1 nhân khẩu, xóm 12 thiếu 14m2/1 nhân khẩu…chính sự không công bằng đó cũng là nguyên nhân của tình trạng khiếu nại, tố cáo lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ở vùng đất có Chùa Hương nổi tiếng.

Thế nhưng kết quả của phiên xét xử đầu tiên của Tòa án thành phố Hà Nội đã không diễn ra như mong mỏi của họ. Bản án phúc thẩm đã bác yêu cầu kháng cáo vì cho rằng: bồi thường với giá 108.000đ/1m2 là đúng, quyền lợi của người bị thu hồi đất vẫn được đảm bảo vì được thêm khoản hỗ trợ bằng 5 lần giá đất nông nghiệp để chuyển đổi nghề nghiệp nên không cần buộc UBND huyện Mỹ Đức phải làm lại phương án bồi thường, hỗ trợ được quy định chi tiết tại điều 30, 31 Nghị định 69. Cái khác duy nhất so với bản án sơ thẩm của Tòa Mỹ Đức là án phúc thẩm sau khi chỉ ra hàng loạt sai phạm của UBND huyện Mỹ Đức đã yêu cầu người bị kiện phải “rút kinh nghiệm”.

Phán quyết của tòa án các cấp trong các vụ án hành chính này đã dựa vào quy định mơ hồ của khái niệm “Nhà nước thu hồi đất” trong Luật đất đai 2003 không quy định rõ khi thu hồi đất đã được giao cho người đang sử dụng đất ổn định thì Nhà nước phải ban hành văn bản dưới hình thức “quyết định hành chính” về thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất.

Phiên tòa hành chính diễn ra trong thời điểm dự thảo Luật đất đai năm 2013 đang chờ thông qua sau khi Hiến pháp được sửa đổi nên bản án phúc thẩm được tuyên chủ yếu vẫn căn cứ vào những quy định bất cập của Luật đất đai năm 2003 mà dư luận đang đòi hỏi quốc hội phải sửa đổi căn bản. Đó là cơ chế bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp và sự thiếu vắng các quy định “chế tài” đối với các hành vi vi phạm luật đất đai từ phía chính quyền.

Những người nông dân đi khiếu kiện hành chính đã phải chịu thiệt thòi khi họ bị thu hồi đất gieo mạ để thực hiện các công trình công cộng mà không được giao đất mới có cùng mục đích (gieo mạ) khiến cho ruộng bị bỏ hoang vì không phải đất nào cũng gieo mạ được như câu tục ngữ đúc kết kinh nghiệm nghề nông của cha ông từ ngàn xưa “ Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen”. Trong số tiền mỗi hộ gia đình được nhận cho mỗi mét vuông chỉ có 648.000đ (bao gồm 108.000 bồi thường về đất + hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp bằng 5 lần giá đất). Hậu quả việc thu hồi đất làm dự án tùy tiện đã làm hàng trăm mét mương máng dẫn nước bị sập hư hỏng dẫn đến tình trạng hàng nghìn ha trồng lúa nước bị bỏ hoang không có nước tưới tiêu và không có mạ cấy.

Theo kết luận tại Thông báo số 202 ngày 22/7/2011 của UBDN thành phố Hà Nội thì nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc UBND xã Hương Sơn buông lỏng quản lý để cho các Trưởng, phó xóm lợi dụng việc “dồn ô đổi thửa”, tùy tiện giao đất và thu hồi đất nông nghiệp của dân để trình UND huyện Mỹ Đức phê duyệt làm các dự án trên địa bàn xã Hương Sơn.

Đối với việc thu hồi đất chuyên trồng lúa để chuyển sang mục đích khác, điểm tiến bộ của dự thảo Luật đất đai năm 2013 thể hiện bằng quy định chặt chẽ hơn nhằm tránh sự tùy tiện thu hồi đất của UBND các cấp là “cần phải có văn bản chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của Thủ tướng Chính phủ, không phân biệt quy mô diện tích phải thu hồi đất, nhằm thực hiện việc bảo đảm an toàn lương thực trong bối cảnh diện tích đất lúa nước ở nước ta ngày càng bị thu hẹp …”

Nhưng nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng những quy định về trường hợp Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ trong dự thảo luật mới, cho dù có 1 số điểm tiến bộ hơn so với Luật năm 2003, nhưng hầu như vẫn dựa trên các nền tảng cũ, tuy có thay đổi vị trí trong từng điều luật,  như về khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” (mà thực chất là sự chuyển hóa quyền sở hữu đất đai qua các chủ thể: Toàn dân- Nhà nước-sang UBND các cấp, theo đó các cơ quan này được thực hiện các quyền cơ bản về đất đai như: thu hồi đất, giao đất, định giá đất, cưỡng chế thu hồi đất khi người dân không tự nguyện chấp hành...chắc chắn không làm giảm đi sự khốc liệt, phức tạp của tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài của người dân bị thu hồi đất, tạo kẽ hở cho tham nhũng đất đai ngày càng gia tăng, tinh vi dưới mọi hình thức.
Bản án phúc thẩm của tòa án Hà Nội cũng bác yêu cầu xin tách yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại để giải quyết bằng một vụ án dân sự khác của người khởi kiện vì cho rằng “không có thiệt hại gì”. Phán quyết này của tòa án cũng dựa vào quy định hẹp của Luật đất đai năm 2003 chỉ quy định người bị thu hồi đất được bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất, ngoài ra không có thiệt hại gì khác. Trong khi dự thảo Luật đất đai năm 2013 đưa ra khái niệm bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mở rộng hơn đó là: “Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trả cho người có đất bị thu hồi những thiệt hại về quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất do việc thu hồi đất gây ra” (khoản 2 điều 4). Thiết nghĩ quy định như vậy sẽ tạo điều kiện cho người nông dân bị thu hồi đất đỡ thiệt thòi vì họ được Nhà nước trả lại những thiệt hại do việc thu hồi đất gây ra. Ví dụ như trường hợp người dân 6 xóm thôn Đục Khê bị thu hồi đất đang canh tác không được tính thiệt hại cho thời gian sử dụng đất còn lại đã là một thiệt thòi bởi Luật đất đai năm 2003 không quy định. Tuy nhiên trên đây mới chỉ là giải thích thuật ngữ pháp lý, còn phải chờ đợi cách thể hiện trong chính sách bồi thường hỗ trợ cụ thể.

Dự thảo Luật đất đai cần có quy định “hồi tố” (hiệu lực trở về trước) đối với đối tượng người nông dân khi bị thu hồi đất nông nghiệp để họ được hưởng các quy định tiến bộ của Luật đất đai trong việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cụ thể là những người dân vùng đất Phật Chùa Hương, Hà Nội hay những xã viên của các Hợp tác xã Rau Chiến Thắng, Hợp tác xã Nông nghiệp Hồng Tiến của thành phố có Vịnh Hạ Long nổi tiếng.

Vì trong các trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì người nông dân ở đâu cũng là đối tượng phải chịu thiệt thòi nhất. Bởi vì thu hồi đất đồng nghĩa với việc họ mất ruộng cày vĩnh viễn. Đối với người nông dân đất đai không chỉ là tài sản cơ bản của gia đình họ, trong đó đất nông nghiệp còn được xem là tư liệu sản xuất vô cùng quý giá không có gì có thể thay thế được. Và với cơ chế xét xử án hành chính hiện hành cũng không đảm bảo được quyền lợi cho người dân trong việc khởi kiện hành chính minh chứng bằng kết quả xét xử phiên tòa phúc thẩm vụ án hành chính của người dân đất Phật Chùa Hương đó là đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính “không hợp pháp” nhưng vẫn được tòa án hành chính “cho phép” Cơ quan hành chính rút “kinh nghiệm” chứ không hủy quyết định hành chính hoặc buộc chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật. Đây là nguyên nhân làm bùng nổ sự phẫn nộ của hơn những người nông dân dự phiên tòa đuổi theo hội đồng xét xử yêu cầu đưa ra lời giải thích căn cứ nào mà tòa bác kháng cáo của họ bất chấp cả hàng rào công an bảo vệ phiên tòa.

Tuy Luật đất đai năm 2003 có quy định cơ chế bồi thường bằng tiền, nhưng thực tế cho thấy mong ước lớn nhất của người nông dân là được giao sử dụng đất lâu dài, chứ không hào hứng với nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp. Theo truyền thống và văn hóa của nông thôn Việt Nam coi việc kế thừa tài sản về đất đai từ cha mẹ cho con cái là việc không thể thiếu được của các gia đình nông dân. Nguồn sống duy nhất của người nông dân là  khai thác hoa lợi từ cây trồng vật nuôi trên mảnh ruộng của mình, chứ không phải đưa đất ra thị trường bất động sản, đó là lý do người nông dân coi đất đai là “tấc đất, tấc vàng” thậm chí kể cả đối với đất nông nghiệp giá rẻ như “bèo”. Và thực tế cho thấy những trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp đang canh tác là phải chịu thiệt thòi nhất nên họ thuộc chủ thể sử dụng đất mà pháp luật đất đai cần quan tâm đặc biệt hơn.

Sau 3 lần ban hành và 5 lần sửa đổi, bổ sung các đạo luật đất đai (Luật Đất đai năm 1988, Luật Đất đai năm 1993, Luật sửa đổi bổ sung Luật Đất đai  năm 1998, Luật sửa đổi bổ sung Luật Đất đai  năm 2001,Luật Đất đai  năm 2003,Luật sửa đổi bổ sung Luật Đất đai năm 2008, Luật sửa đổi bổ sung Luật Đất đai năm 2009, Luật sửa đổi bổ sung Luật Đất đai năm 2010), những người nông dân mong đợi Luật đất đai năm 2013 sẽ được sửa đổi, bổ sung một cách căn bản theo hướng đảm bảo quyền và lợi ích thật sự cho họ- những người thực sự gắn bó với ruộng đồng, chống lại các hành vi lạm dụng quyền lực từ phía Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quản lý đất đai vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho người dân.

Một số hình ảnh của ngày xét xử đầu tiên phiên tòa phúc thẩm vụ án hành chính của những người dân 6 xóm thôn Đục Khê, Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội.  Và các phiên tòa tiếp theo cũng có kết quả giống như bản án đã tuyên của ngày đầu tiên này nên tất cả những người khởi kiện đã có đơn đề nghị tòa án xử vắng mặt mục đích để nhanh chóng kết thúc một giai đoạn để chuyển sang một giai đoạn khác trong hành chính khiếu kiện hành chính để cho “ra ngô ra khoai”.

Cong ty luat TNHH Hoanglong