BẢN GÓP Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XHCN VIỆT NAM NĂM 1992

Ngày cập nhật: 05/03/2014
Thực hiện kế hoạch số 17/KH-MTTQ ngày 28/01/2013 của ban thường trực ủy ban MTTQ quận Hai bà trưng về việc lấy ý kiến và dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

(Thực hiện kế hoạch số 17/KH-MTTQ ngày 28/01/2013 của ban thường trực ủy ban MTTQ quận Hai bà trưng về việc lấy ý kiến và dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992)
Từ năm 1992 đến nay, ở trên thế giới cũng như trong nước ta đã diễn ra nhiều sự kiện trọng yếu về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Riêng trong nước ta, sự nghiệp đổi mới đất nước đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Nhận thức tư tưởng của các tầng lớp nhân dân cũng được nâng cao hơn nhiều so với trước. Trong bối cảnh như vậy, việc xem xét Hiến pháp 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) để có sửa đổi, nâng cao nhằm tạo điều kiện cho sự tiếp tục phát triển ở nước ta là điều cần thiết.
Sửa đổi Hiến pháp 1992 –đạo luật cơ bản gốc của Nhà nước, là một việc làm hết sức trọng yếu, có tầm trọng sống còn đối với nước ta cần được các tầng lớp nhân dân tâm huyết tham gia. Với tư cách là một luật sư hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực áp dụng pháp luật, nói chung đóng góp ý kiến của tôi như sau:
Thứ nhất: Đối với Chương I- Chế độ Chính trị theo tôi xây dựng bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp theo hướng tiếp tục khẳng định, giữ vững những tư tưởng quan trọng được thể hiện trong Hiến pháp 1992. Tức là Hiến pháp mới không phải phủ định, mà nâng cao Hiến pháp trước đó, những vấn đề gì ưu việt, phù hợp với lợi ích của nhân dân thì cần giữ không nên bỏ.
Những vấn đề cần tiếp tục khẳng định (như điều 1, 2, 3, 4): Tư tưởng lấy dân làm gốc, nhấn mạnh đến quyền lợi của nhân dân, ý chí của nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Đảng Cộng sản VN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Việt Nam là một nước có chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Lãnh thổ VN với vùng đất liền, vùng biển và hải đảo, vùng trời là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm, phải được vẹn toàn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ý thức dân tộc chân chính, ý thức yêu nước mạnh mẽ cần được khẳng định.
Thứ hai:  Trước tình hình mới đòi hỏi có một số mặt phải được sửa đổi, nâng cao để bản Hiến pháp mới đáp ứng sự phát triển bền vững của nước ta. Xin nêu ý kiến đối với  một số vấn đề cụ thể như sau:
1- Bản dự thảo tiếp tục khẳng định tư tưởng của Hiến pháp nước ta năm 1946, trong đó ghi: “Tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân” (điều 2). Điều đó có ý nghĩa là trong khi khẳng định quyền lực của Quốc hội, cần  nhận thức Quốc hội nước ta có quyền lực lớn lao như quy định tại điều 74 như: “quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cáo đối với hoạt động của Nhà nước”. Nhưng không nên nhận thức Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất.Trong trường hợp Quốc hội hoạch định đường lối chính sách chủ trương không phù hợp với lòng dân, thì cần tổ chức trưng cầu dân ý, nghĩa là Hiến pháp cần quy định dân có quyền phúc quyết cao nhất những vấn đề hệ trọng đến quốc gia, bao gồm cả sửa đổi Hiến pháp.
2-Song song với việc thừa nhận sự lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản VN, cần có các chế định có hiệu lực để tăng cường hơn nữa sự giám sát của Quốc hội, cũng như cần có các định chế của nhân dân để giám sát sự lãnh đạo đất nước của Đảng.
3-Khi xác định: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (điều 2), cần thấy rằng : hai mươi năm qua thực hiện chính sách đổi mới ở nước ta đã xuất hiện tầng lớp doanh nhân, đã và đang phát huy tác dụng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, vậy Hiến pháp sửa đổi có nên thêm tầng lớp doanh nhân vào nền tảng của sự liên minh đó không? Thêm nữa, lịch sử Việt Nam thời cận hiện đại cũng như trước đó vai trò đại đoàn kết các dân tộc là một sức mạnh sống còn của đất nước, vậy trong nền tảng chính trị của nước ta có nên ghi vào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc không? Ghi vào là sự khẳng định tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong lịch sử nước ta, từ xa xưa, cha ông ta đã xác định 4 loại người tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đó là sĩ, nông, công, thương. Nếu ngày nay, ta có thêm vào tầng lớp doanh nhân nữa, thì cũng là phù hợp với truyền thống của dân tộc.
4-Về Chương III của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi xin góp ý kiến cho chế độ Kinh tế, cụ thể là hai điều  57 và  58 là các điều quy định về đất đai vì vấn đề đất đai rất quan trọng, bức xúc có tính thời sự hiện nay ở nước ta. Các cơ quan thông tấn báo chí thời gian qua đã nói nhiều đến tình trạng khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực đất đai xẩy ra ở một số địa phương ở nước ta. Cho nên việc xem xét để có sự sửa đổi căn bản là rất cần thiết để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội cho đất nước phát triển bền vững. 
-Điều 57 (sửa đổi, bổ sung điều 17, điều 18) có ghi rằng: “đất đai ..l.à tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật”. 
Theo tôi quy định như trên là chung chung, cần có quy định rõ hơn về khái niệm này vì đây là nguồn gốc xẩy ra tình trạng khiếu kiện khốc liệt của người dân trong các trường hợp Nhà nước thu hồi đất với diễn biến ngày càng phức tạp . Bởi vì lâu nay về nhận thức đất đai là thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý nên đã bị lạm dụng theo cách hiểu đất đai thuộc sở hữu của chính quyền các cấp, kể cả cấp xã, nhân danh Nhà nước để giải quyết vấn đề đất đai, nên có tình trạng vi phạm quyền sở hữu, không có lợi cho người dân, mà lại có lợi cho các chủ đầu tư.
- Điều 58 (sửa đổi, bổ sung điều 18): Với quy định tại khoản 2 thì Nhà nước xác nhận: quyền sử dụng đất đai là quyền tài sản và chỉ công nhận quyền sử dụng đất cho người dân, chứ chưa xác nhận quyền tư hữu về đất đai của người dân. Thực tế đã cho thấy quy định này đã không khuyến khích tạo điều kiện cho người nông dân thực sự an tâm và dốc sức lực cần lao của họ vào khai thác đất đai, phát triển nông nghiệp. 
Do đó cần xem xét ý kiến sau đây: Đất đai là quyền sở hữu của 3 loại đối tượng: Nhà nước, tập thể công cộng và cá nhân. Nghĩa là xác nhận quyền tư hữu về đất đai như đã tồn tại trong lịch sử lâu dài của dân tộc ta và thế giới. Đương nhiên, trong Nhà nước của ta hiện nay, đó không phải là quyền tư hữu vô hạn độ, mà có sự giới hạn cụ thể trong một chừng mực cho phép. 
Nói chung xác nhận quyền tư hữu về đất đai, chỉ là một bộ phận của sự xác nhận tư hữu tài sản nói chung của người dân như quy định trong dự thảo Hiến pháp (điều 33 sửa đổi, bổ sung điều 58).
Về quy định những trường hợp Nhà nươc thu hồi đất tại khoản 3 điều 58 của bản Dự thảo- mà trong điều 18 của Hiến pháp 1992 không quy định: Theo tôi nên bỏ mà giữ nguyên Hiến pháp trước tức là trong trường hợp thật cần thiết nhà nước có quyền trưng mua đất đai của người sử dụng đất và có bồi thường theo giá thị trường. Nếu vẫn giữ quy định “Nhà nước thu hồi đất…” thì bỏ trường hợp thu hồi đất vì các dự án phát triển kinh tế mà chỉ giữ các trường hợp: vì mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và quy định người bị thu hồi đất được Nhà nước bồi thường theo giá thị trường (tức là bỏ đoạn bồi thường “… theo quy định của pháp luật”) vì Hiến pháp là đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất.
5-Về các quyền công dân, về quyền con người, về các quyền tự do, dân chủ v.v.v (quy định tại Chương II-điều 15 sửa đổi, bổ sung điều 50). 
Cần thấy đây là khát vọng của nhân dân, của nhân loại, của thời đại phải được khẳng định trong đạo luật cơ bản của Nhà nước. Dự thảo Hiến pháp đã bổ sung thêm một số điều mới về quyền con người, quyền tự nhiên của con người bên cạnh việc làm rõ hơn về nội dung và tiếp tục khẳng định những quyền cơ bản của công dân quy định trong Hiến pháp 1992.  
Trong thời đại hiện nay vấn đề dân tộc và phát triển không thể giải quyết được nếu không có sự thực hiện đồng bộ các quyền tự do dân chủ. Nên để các quyền con người được bảo đảm trên thực tế cần quy định cơ quan bảo vệ quyền con người và cơ chế để bảo đảm Hiến pháp khỏi bị vi phạm.
Trong dự thảo Hiến pháp quy định cụ thể nội dung các quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, cần nhận thức Hiến pháp nước nào cũng vậy, dù có tiến bộ đến mấy cũng mang tính giai đoạn, chỉ có thể thích ứng với một giai đoạn lịch sử cụ thể nào đó mà thôi. Cuộc sống không bao giờ bất biến, đứng yên một chỗ mà có sự phát triển. Một số vấn đề do Hiến pháp quy định sẽ bị thực tế lịch sử vượt qua, trở thành lạc hậu, cản trở cho sự phát triển trong khi do tình hình mới nên cần có những sửa đổi bổ sung cho phù hợp để tiếp tục phát triển bền vững.
Cho nên trong Hiến pháp sửa đổi khi quy định về các quyền nêu trên, không nên ghi vào một cách hoàn chỉnh, mà phải cân nhắc trong một thời gian nhất định cụ thể, điều nào ta có thể ghi vào để có thể phấn đấu, còn các điều khác thì sẽ được bổ sung dần dần từng bước trong các bản Hiến pháp sẽ được xây dựng trong các thời kỳ lịch sử về sau, tránh trường hợp bị khiếu kiện do vi phạm Hiến pháp.

Luật sư, Tiến sĩ Phan Thị Hương Thủy
Giám đốc Công ty luật TNHH Hoàng Long (Đoàn luật sư TP. Hà Nội)
Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội 
Uỷ viên Ban Tư vấn Dân chủ Pháp luật MTTQ quận Hai Bà Trưng
                                                                              
Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2013.

www.lawvietnam.com