QUAN ĐIỂM CỦA LUẬT SƯ Bào chữa cho Bị cáo Nguyễn Thị Hoa trong vụ án “Đánh bạc”

Ngày cập nhật: 08/05/2012
Tôi là Phan Thị Hương Thủy, luật sư thuộc Văn phòng luật sư Hoàng Long-Đoàn luật sư Hà Nội là người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hoa trong vụ án hình sự Lê Ngọc Bảo và đồng bọn can tội đánh bạc bị Tòa án Nhân dân huyện Sóc Sơn xét xử sơ thẩm.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

--------------*---------------

 

QUAN ĐIỂM CỦA LUẬT SƯ

Bào chữa cho Bị cáo Nguyễn Thị Hoa trong vụ án “Đánh bạc”

 

 

Kính thưa HĐXX phúc thẩm

Tôi là Phan Thị Hương Thủy, luật sư thuộc Văn phòng luật sư Hoàng Long-Đoàn luật sư Hà Nội là người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hoa trong vụ án hình sự Lê Ngọc Bảo và đồng bọn can tội đánh bạc bị Tòa án Nhân dân huyện Sóc Sơn xét xử sơ thẩm.  Tại Bản án sơ thẩm số 67/2007/HSST ngày 03/7/2007 của Tòa án Nhân dân huyện Sóc Sơn-Hà Nội, căn cứ điểm b khoản 2 điều 248, khoản 3 điều 248, điều 41 Bộ luật Hình sự năm 1999 quyết định phạt: Bị cáo Nguyễn Thị Hoa 32 (ba mươi hai) tháng tù giam về tội Đánh bạc, ngoài ra tòa tuyên phạt Nguyễn Thị Hoa phải nộp 3.000.000 đồng để sung công quỹ Nhà nước.

Sau khi tòa án sơ thẩm xử xong thì ngày 9/7/2007 bị cáo Nguyễn Thị Hoa đã kháng cáo lên Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị xem xét được hưởng án treo.

Qua nghiên cứu tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và qua thẩm vấn công khai tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay tôi xin trình bày quan điểm bào chữa của mình như sau:

Thứ nhất: Về tội danh tôi không có ý kiến gì vì bị cáo không kháng cáo về tội danh.

Thứ hai: Về hình phạt theo án sơ thẩm tuyên.

Tôi thấy rằng hình phạt 32 tháng giam đối với bị cáo Hoa là quá nặng, quá nghiêm khắc không tương xứng với hành vi của bị cáo Hoa. Theo quan điểm  của tôi không cần thiết phải áp dụng biện pháp cách ly Bị cáo Hoa khỏi hoạt động bình thường của xã hội.

 Tại phiên tòa hôm nay với tư cách là luật sư bảo vệ cho bị  cáo Nguyễn Thị Hoa, xin đề nghị HĐXX xem  xét một số vấn đề sau:

Mặt khách quan của tội đánh bạc thể hiện ở hành vi chơi được, thua bằng tiền hoặc hiện vật dưới bất kỳ hình thức nào. Hành vi đánh bạc chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi số tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị lớn .

Tòa án sơ thẩm đã nhận định bị cáo Hoa  chủ động đem số tiền lớn để sát phạt lẫn nhau là chưa đủ căn cứ  và không phù hợp với các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra thu thập cụ thể. Mặt khác cũng như phân tích nêu trên hành vi của Bị  cáo chưa đến mức phải cách ly khỏi xã hội tôi sẽ chứng minh ở phần các tình tiết giảm nhẹ.

Tại BL 284 Nguyễn Thị Hoa khai: “Tôi vào hàng chơi bạc bên chẵn xong tôi lấy ra 1,5 triệu đồng đặt vào cửa chẵn hay lẻ tôi không nhớ khi người xóc đĩa mở bát ra tôi bị thua. Tiếp đó tôi lấy ra 1,5 triệu đồng ra chơi tiếp vừa đặt tiền xuống chiếu thì vừa lúc này tôi nghe có người trong sới bạc nói là công an tất cả bỏ chạy và sau đó tôi bị bắt giữ. Trong lúc bị bắt  trong người tôi còn 18 triệu và 1 điện thoại Nokia. Tôi đã bỏ ra nộp cho cơ quan Công an.

Số tiền mang theo người là 21 triệu bao gồm 16 triệu là của mẹ tôi đưa cho tôi lên Hà Nội mua thuốc chữa bệnh còn lại của tôi có 5 triệu là tiền bán hàng. Số tiền đó tôi vẫn giữ trong người. Khi vào đánh bạc tôi chỉ bỏ ra 3 triệu đồng để đánh bạc nhưng đều bị thua còn lại 16 triệu của mẹ tôi gửi tôi không sử dụng vào việc đánh bạc”

Tại BL 286 trong bản tự khai Hoa khai: “Mang theo 21 triệu trong đó có 16 triệu của mẹ gửi lên Hà Nội để mua thuốc chữa bệnh cho mẹ vì mẹ tôi bị bệnh sa dạ con, còn 5 triệu là tiền bán hàng. Tôi thả 2 lần, mỗi lần 1,5 triệu, 2 ván thua 3 triệu. Đang lúc đó cơ quan công an ập vào bắt. Lúc đó trong người tôi có 18 triệu đồng và một điện thoại di động”.  Như lời khai của bị cáo Hoa thì trong số tiền mang theo thì có có 16 triệu đồng của mẹ gửi mua thuốc. Tiền của Hoa chỉ có 5 triệu đồng là tiền bán hàng. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay bị cáo khai sau khi thua thì định quay về Hà Nội mua thuốc cho mẹ, không có ý định dùng 16 triệu chơi bạc. Như vậy mặc dù trong người Hoa có 21 triệu đồng nhưng 16 triệu đồng là của mẹ gửi đi mua thuốc Hoa không có ý định đánh bạc với 16 triệu này. Số tiền cụ thể dùng để đánh bạc thực sự chỉ có 3 triệu đồng.Hoa chỉ đặt 3 triệu để chơi bạc còn số tiền còn lại Hoa vẫn giữ trong người chỉ đến khi bị bắt Hoa mới bỏ ra nộp cho Cơ quan Công an. Nếu bị cáo không tự nguyện bỏ ra thì công an cũng không thu được vì không nằm trên chiếu bạc.

Điều này cũng phù hợp với các lời khai khác của Hoa tại các BL 277, 279, 281, 284285, 286, 287 và phù hợp với các tài liệu khác đó là: Đơn trình bày ngày 10/9/2006 và Bản tường trình ngày 16/2/2007 của bà Nguyễn Thị Lan –mẹ của bị cáo là bà có gửi cho con 16 triệu đồng để bị cáo mua thuốc trên Hà Nội để chữa bệnh bị sa dạ con. Căn cứ giấy ra viện của bệnh viện ở Nam Định thì đúng là bà Lan có đi mổ phẫu thuật sa dạ con thật.

Như vậy Tòa án cần căn cứ vào số tiền Hoa thực sự sử dụng vào việc chơi bạc để quyết định hình phạt chứ không quyết định hình phạt dựa trên tổng số tiền mà Hoa mang theo. Về mặt khách quan của tội phạm thì khi lượng hình phải căn cứ vào số tiền được sử dụng vào đánh bạc hoặc sẽ sử dụng vào đánh bạc nhưng cơ quan điều tra chưa đủ cơ sở để chứng minh bị cáo sử dụng số tiền mẹ gửi mua thuốc để đánh bạc.

Thứ ba: Về đơn kháng cáo xin hưởng án treo.

Tôi thấy có cơ sở để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo đó là: Căn cứ khoản 1 điều 60 Bộ luật Hình sự quy định khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ.

Một là: Bản án sơ thẩm không áp dụng cho Bị cáo tình tiết tăng nặng cho Bị cáo mà chỉ nhận định bị cáo Hoa chủ động mang số tiền nhiều nhất để sát phạt lẫn nhau. Cho nên được coi là Bị cáo không có tình tiết tăng nặng theo quy định của điều 48 Bộ luật Hình sự.

Hai là: Nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự.

Ba là: Bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ.

Căn cứ quy định pháp luật về tình tiết giảm nhẹ tại điều 46 Bộ luật hình sự quan điểm của luật sư như sau:

Bị cáo có những tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 điều 46 BLHS như sau :

+ Điểm b: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Với hành vi ngày 29/7/2008 Hoa đã tự nguyện nộp 3.000.000 đồng và 50.000 đồng án phí hình sự  cho thi hành án  huyện Sóc Sơn theo quyết định của Bản án sơ thẩm mặc dù chưa có hiệu lực pháp luật đối với bị cáo vì bị cáo có đơn kháng cáo. Việc này chứng tỏ Bị cáo Hoa đã tự nguyện sửa chữa lỗi lầm.

+  Điểm h quy định “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Về nhân thân của bị cáo Hoa: Bị cáo có nhân thân tốt, đây là phạm tội lần đầu, chưa có tiền án tiền sự. Về hành vi đánh bạc cũng là lần đầu do bị rủ rê. Tại BL 277 bị cáo khai “Lần này là lần đầu, chưa lên đây lần nào”.

+ Điểm p “Người phạm tôị thành khẩn khai báo ăn năn hối cải. Tại phiên tòa bị cáo thể hiện thái độ ăn năn hối cải. Thái độ này còn thể hiện qua hành vi của bị cáo tự nguyện nộp tiền phạt và án phí sơ thẩm. Như vậy là thể hiện sựt ăn năn hối cải về lỗi lầm của mình và sự chấp hành đúng theo quy định của pháp luật.  Thái độ thành khẩn khai báo thể hiện lời khai của bị cáo là thống nhất và khai đánh 2 lần mỗi lần 1,5 triệu đồng và số tiền mang theo trong đó chỉ có 5 triệu đồng là của bị cáo còn 16 triệu đồng là của mẹ gửi mua thuốc. Lời khai này là thật vì đã được chứng minh bằng giấy tờ ra viện của mẹ bị cáo. Nếu không thật thà thành khẩn thì bị cáo có thể chỉ khai đánh mỗi lần 1 vài trăm ngàn mà không ai biết vì tất cả các con bạc đều không biết nhau.

Như vậy bị cáo có 3 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự.Bản án sơ thẩm không áp dụng cho Bị cáo tình tiết giảm nhẹ nào là chưa công bằng. Tôi đề nghị HĐXX áp dụng cho bị cáo.

Căn cứ khoản 2 điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 khi quyết định hình phạt Tòa án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ nhưng phải ghi  rõ trong bản án. Tôi thấy ngoài 3 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 điều 46. Ngoài ra bị cáo còn có 2 tình tiết giảm nhẹ có thể áp dụng khoản 2 điều 46 đó là:

+ Bị cáo đang nuôi con nhỏ, con của bị cáo là cháu Nguyễn Thị Vân Anh sinh ngày 26/9/2003 tính đến thời điểm  bị cáo phạm tội là ngày 22/7/2006 thì cháu bé chưa đầy 34 tháng tuổi dưới 36 tháng tuổi. Về hoàn cảnh gia đình của Bị cáo rất đáng thương: tại BL 297 bị cáo khai năm 2002 ăn ở như vợ chồng với anh Nguyễn Đình Bang ở 35 Hàng Đậu, năm 2003 sinh con, năm 2004 bỏ nhau bị cáo hiện nay một mình nuôi con nhỏ nếu bị cáo bị tù thì không ai nuôi cháu bé bởi vì mẹ bị cáo là bà Nguyễn Thị Lan hiện nay đau ốm không thê nhờ mẹ trông hộ con. Cháu bé là đối tượng của Luật bảo về và chăm sóc trẻ em được Quốc hội ban hành năm 2004, điều 1 quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi là đối tượng của Luật. Năm 1990, Việt Nam lại là một trong những thành viên đầu tiên tham gia Công ước về quyền trẻ em năm 1989. Tại các văn bản pháp luật này quy định Nhà nước phải có trách nhiệm chăm sóc và giúp cho trẻ em phát triển về mọi mặt. Không ai có thể chăm sóc con nhỏ hơn người mẹ nếu buộc bị cáo cách ly khỏi xã hội thì cháu bé sẽ là gánh nặng cho xã hội và quyền lợi của cháu sẽ không được đảm bảo. Mặt khác bị cáo có thân nhân là liệt sĩ cụ thể cậu ruột Nguyễn Văn Hùng của bị cáo là liệt sĩ, một cậu khác là Nguyễn Văn Hồng là thương binh, là đối tượng người có công với cách mạng là gia đình chính sách theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được Quốc hội ban hành năm 2005.

+ Hoàn cảnh của bị cáo là người lao động chính trong gia đình: Nay mẹ của bị cáo là chị ruột của liệt sĩ bị ốm đau không có người chăm sóc vì bị cáo là người lao động chính trong gia đình bị chấp hành hình phạt tù giam.

Do đó để bị cáo chấp hành hình phạt ở ngoài xã hội, vừa tạo điều kiện cho Bị cáo nuôi con chăm sóc mẹ già là hài hòa và phù hợp, thể hiện tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta mà vẫn đảm bảo tính giáo dục, răn đe.

Thứ tư: Về việc bị cáo xin được hưởng án treo

Theo quy định tại khoản 1 điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “Khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ khác nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì tòa án cho hưởng án treo”. Căn cứ vào nhân thân của bị cáo và các tình tiết giảm nhẹ như phân tích ở trên tôi thấy rằng việc bắt bị cáo cách ly đời sống xã hội là không cần thiết.Việc cho bị cáo hưởng án treo thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta mà vẫm đảm bảo tính giáo dục, răn đe trước pháp luật đồng thời tạo cơ hội để bị cáo làm lại cuộc đời trở thành công dân có ích cho xã hội.

 Đề nghị của luật sư:

Căn cứ vào phân tích nêu trên và các quy định của pháp luật  tôi đề nghị HĐXX sửa án sơ thẩm theo hướng quy định tại điểm đ khoản 1 điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự  năm 2003, cụ thể giảm mức hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo .

Xin trân trọng cảm ơn.

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2007.

 

Luật sư

Phan Thị Hương Thủy