Tranh tụng bằng Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam tại Tòa án Mỹ

Ngày cập nhật: 09/08/2011
Tháng 9/2003, Tòa Thượng thẩm California xét xử vụ án ly hôn giữa hai người Mỹ có quốc tịch gốc Việt Nam. Nguyên đơn (người vợ) cho rằng hai người đã làm thủ tục kết hôn tại VN từ tháng 6/1978. Bị đơn (người chồng) phủ nhận việc kết hôn, hai người chỉ sống chung và có con cùng tài sản chung. Do đó luật VN và các tài liệu được lập tại VN được tòa án Mỹ chấp nhận áp dụng như là chứng cứ để xác định có hay không có hôn nhân giữa hai người.

Nguyên đơn và bị đơn đã về VN tìm kiếm các chứng cứ bảo vệ cho quan điểm của mình. Bên nguyên cung cấp được 1 bản sao giấy công nhận kết hôn vào thời điểm tháng 6/1978 tại UBND quận 5, TP HCM, nhận thực sao y bản chính giấy hôn thú này vào ngày 8/2/1982. Bên bị cung cấp 2 xác nhận, cũng của UBND quận 5, vào năm 2002, là không có lưu trữ gì về việc kết hôn giữa hai người. 

Tòa án Los Angeles không thể đưa ra quyết định cho bên nào, bởi vì, vụ kiện thuộc thẩm quyền của tòa án Mỹ nhưng liên quan đến luật VN. Theo luật của bang California, nếu trong vụ kiện về hôn nhân mà có bên đương sự dựa vào chứng cứ về hôn nhân theo luật nước ngoài, hoặc luật của các bang khác, thì họ phải chứng minh việc áp dụng luật liên quan đến chứng cứ đó. 

Luật sư của bị đơn - Văn phòng luật sư Y. Jessie Shaw tại bang California, đã nhờ Tiến sĩ - luật sư (TS-LS) Hương Thủy, Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Long ở Hà Nội, tư vấn về luật Hôn nhân và Gia đình (HN-GĐ). Theo yêu cầu của LS Mỹ, TS-LS Hương Thủy đã thực hiện bản tư vấn bằng cách trả lời các câu hỏi mà LS Mỹ đưa ra, đồng thời nhận xét tài liệu chứng cứ do bên nguyên xuất trình trên cơ sở đối chiếu với luật HN-GĐ năm 1959 của VN. Phiên tòa ngày 1/12/2003 đã quyết định áp dụng luật HN-GĐ năm 1959 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Điều đó có nghĩa là công dân VN ở nước ngoài đã được bảo vệ quyền lợi bằng luật pháp của Nhà nước Việt Nam XHCN. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS-LS Hương Thủy về vụ kiện dân sự đầu tiên tại Mỹ mà bà tham gia. 

- Rào cản đầu tiên mà luật sư vấp phải khi tham gia vụ kiện dân sự tại Mỹ? 

- Trở ngại đầu tiên là thủ tục chứng thực bản tư vấn theo yêu cầu của luật chứng cứ bang Caliornia khiến tôi lần lượt lỡ các phiên tòa xét xử ngày 2/10/2003, 29/10/2003 và 20/11/2003. Vì thế LS bên bị đã đề nghị tòa án (TA) triệu tập tôi ra tòa với tư cách là WE (chuyên gia làm chứng). Bên nguyên cũng được phép tìm kiếm WE để làm chứng tại tòa, bảo vệ quan điểm cho mình. Chỉ có điều là WE của họ không phải từ VN sang mà là người VN đã định cư tại Mỹ từ năm 1991. 

Gần đến ngày xét xử, tôi thông báo là chưa chứng thực lãnh sự được bản tư vấn. Các LS Mỹ đã đề nghị TA lấy lời chứng trực tiếp của tôi từ VN qua điện thoại. Tại thư ngày 25/9/2003, LS Mỹ đã đề nghị: TA yêu cầu bà chuẩn bị để đưa lời chứng vào thời gian 10 giờ, giờ Thái Bình Dương, tức 1 giờ, giờ Hà Nội. Phạm vi lời chứng liên quan đến luật HN-GĐ của VN và thời gian cung cấp lời chứng khoảng 1 tiếng. Thật là chuyện hy hữu, vì theo quy định của pháp luật tố tụng thì đương sự và những người tham gia phiên tòa phải có mặt tại tòa chứ không thể lấy lời khai qua điện thoại được. Tất nhiên là tôi nhận lời. Nhưng sau đó LS Mỹ đã thuyết phục tôi sang Mỹ tham gia phiên tòa để cung cấp lời chứng ngay tại tòa. Vì qua điện thoại cũng có nhiều bất tiện, nhất là phần cung cấp lời chứng của WE là trọng tâm của vụ án này. 

- Trong phiên tòa này WE Việt Nam trình bày lời chứng bằng tiếng Anh hay là tiếng Việt? 

- Theo quy định của luật pháp bang California, các đương sự là người nước ngoài (hoặc có nguồn gốc nước ngoài) có quyền nói tiếng nước mình. (Như vậy cũng giống như ở TA Việt Nam). TA sẽ bố trí phiên dịch cho họ. Các phiên dịch viên cũng có chứng chỉ do TA cấp. 

- Cảm nghĩ của luật sư sau khi tham gia phiên toà này? 

- Phiên tòa kết thúc, nhiệm vụ nặng nề của tôi cũng đã hoàn thành. Tuy rất mệt nhưng vui vì LS Mỹ nói với tôi rằng đây là vụ kiện đầu tiên giải quyết tại TA Mỹ, tuy theo luật tố tụng của Mỹ nhưng luật nội dung lại theo luật của VN, trong đó chuyên gia làm chứng là LS Việt. Như vậy, tôi may mắn là LS đầu tiên được tham gia phiên tòa tại Mỹ, đồng thời cũng là chuyên gia làm chứng người VN đầu tiên tại TA Mỹ... 

Tất cả các LS, thẩm phán Mỹ đều quan tâm đến luật HN và GĐ của VN, họ hỏi rất kỹ về các quy định về điều kiện một cuộc hôn nhân được coi là hợp pháp. Qua đó tôi cũng phát hiện được đạo luật gia đình của bang California có rất nhiều điểm giống với luật HN và GĐ VN như quy định chế độ 1 vợ 1 chồng, không công nhận hôn nhân thực tế, nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, nuôi vợ khi ly hôn, chia tài sản chung khi ly hôn.... 

- Điều gì gây ấn tượng nhất cho luật sư ở phiên toà này? 

- Ấn tượng nhất ở phiên tòa này là việc phá lệ cho phép triệu tập WE từ VN sang... Theo tôi, lời chứng của WE cũng là một vấn đề cần nghiên cứu để đưa vào bộ luật TTDS. Trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế, tất yếu sẽ có những vụ án liên quan đến pháp luật nước ngoài. Lời chứng của WE là chứng cứ đặc biệt vì chỉ có "chuyên gia" mới có thể cung cấp lời chứng cho các LS tranh tụng giúp thẩm phán đưa ra phán quyết công bằng. Do đó sự tham gia của các LS nước ngoài với tư cách là WE vào TA Việt Nam là tất yếu... Gút lại vấn đề này tôi thấy cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật tố tụng của VN theo hướng "mở".

Embassy of Vietnam