QĐLS Đối với bị cáo Nguyễn Văn Lợi

Ngày cập nhật: 02/10/2014
Quan điểm của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Bị cáo Nguyễn Văn Lợi tội cố ý gây thương tích xảy ra tại huyện Thạch Thất năm 2005

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------&---------

QUAN ĐIỂM BÀO CHỮA CỦA LUẬT SƯ
Đối với bị cáo Nguyễn Văn Lợi

Kính thưa HĐXX phúc thẩm

Chúng tôi, các luật sư Phan Thị Hương Thủy và Nguyễn Thanh Hùng  thuộc Văn phòng luật sư Hoàng Long (Đoàn luật sư Hà Nội) xin trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Lợi cụ thể như sau
Ngày 12/8/2005 Tòa án Nhân dân huyện Thạch Thất đã tuyên án xử Nguyễn Văn Lợi can tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 2 điều 104 Bộ luật hình sự với mức phạt 15 tháng tù cho hưởng án treo và 30 tháng thử thách. Ngày 15/8/2005 bị cáo Lợi đã kháng cáo đối với quyết định nêu trên của Tòa án huyện Thạch Thất đề nghị Tòa án tỉnh Hà Tây xét xử lại theo trình tự phúc thẩm  tuyên Lợi không phạm tội hình sự.
Tại giai đoạn phúc thẩm chúng tôi cũng được bị cáo Lợi mời tiếp tục là người bào chữa. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và thẩm vấn công khai tại phiên tòa phúc thẩm chúng tôi xin trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Lợi như sau:
Trước hết chúng tôi vẫn giữ quan điểm là hành vi của bị cáo không cấu thành tội hình sự theo điều luật mà bị cáo bị tòa án huyện Thạch Thất xét xử.
Thứ nhất: nhận xét về những vi phạm tố tụng của bản án sơ thẩm:
- Vi phạm điều 229 BLTTHS trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án phải giao bản án cho bị cáo và người bào chữa.
- Vi phạm diều 200 Biên bản phiên tòa không ghi liên tục của 4 phiên xét xử 28/2, 14/4, /31/5/, 18/7/ và 12/8/2005 mà chỉ có 12/8/2005.
- Vi phạm khoản 1 điều  204 quy định về quỳen và nghĩa vụ cùa người làm chứng (tòa hỏi có cần không, ông Hải đáp không cần nên không quy định).
- Vi phạm khoản 1 điều 64 BLTTHS cụ thể sử dụng lời khai của ông Đỗ Văn Hải -người làm chứng và tài liệu giấy chuyển viện viết lại không được coi là chứng cứ để làm căn cứ buộc tội cho Lợi. Vì lời khai của ông Hải tại phiên tòa khác với biên bản làm việc với cơ quan điều tra huyện Thạch Thất (cụ thể chi tiết có giấy chuyển viện mới có) nên không được coi là được thu thập theo trình tự của BLnày và còn mâu thuẫn với lời khai của ông Hải với cơ quan điều tra.
Thứ hai: Vụ án hình sự này có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng phần liên quan đến điều tra truy tố và xét xử bị cáo Nguyễn Văn Lợi. Vì vậy chúng tôi đề nghị HĐXX phúc thẩm vận dụng các điều luật sau đây:
Khoản 2 điều 107 BLTTHS quy định tòa án đình chỉ vụ án hình sự vì hnàh vi của bị cáo không cấu thành tội hình sự.
Khoản 2 điểm b điều 248 BLTTHS và điều 251 BLTTHS quy định thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thảm phần xét xử Lợi và đình chỉ việc xét xử Lợi vì thuộc quy định tại khỏan 2 điều 107 BLTTHS.
Nếu không thì căn cứ điểm c điều luật này và khoản 1 điều 250 BLTTHS hủy bản án sơ thẩm phần dodói với Lợi để chuyển hồ sơ cho cơ quan công an tiến hành điều tra lại vì trong quá trình xét xử có các tình tiết tài liệu chưa được điều tra thu thập theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (cụ thể là lời khai của ông Đỗ Văn Hải-y sĩ bệnh viện Bình phú, giấy chuyền viện mà ông Hải cấp lại theo yêu cầu của bị cáo Hoàn nhựug vẫn đề ngày 16/3/2003).
Lời khai của ông Hải và các tình tiết mới nói trên không được phản ánh trong các tài liệu tố tụng trong giai đoạn điều tra và truy tố cụ thể trong quyết định khởi tố bị can số 02 ngày 24/12/2004 của CA huyện Thạch Thất -Hà tây đối với Nguyễn Văn Lợi  về tội cố ý gây thương tích (cho ông Nguyễn Văn Hòa) chỉ ghi ngày 18/3/2003 ông Nguyễn Văn Hòa được đưa đi điều trị tại bệnh viện 105 Sơn tây chứ không có tình tiết ngày 16/3/2003 ông Hòa được cấp cứu vào Bệnh viện Bình phú và do ông Hải xử lý điều trị và cho giấy chuyển viện lên bệnh viện 105..
Quyết định truy tố bổ sung số 01/KSĐT ngày 27/1/2005 của VKSND huyện Thạch Thất.
Vì chúng tôi đã có điều kiện tham gia vụ án ngay từ giai đoạn điều tra nên chúng tôi đã có điều kiện nghiên cứu hồ sơ, theo dõi vụ án trong quá trình điều tra, truy tố nên chúng tôi thấy việc khởi tố, truy tố Nguyễn Văn Lợi chưa đúng người đúng tội, trong qúa trình điều tra đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng. Chính vì vậy mà Nguyễn Văn Lợi đã có đơn khiếu nại về khởi tố truy tố Lợi không đúng quy định pháp luật ngày 29/1/2005. Đó cũng chính là lý do mà phiên tòa ngày  28/2/2004 của tòa án nhân dân huyện TT đã phải hoãn phiên tòa để trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra bổ sung. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu hồ sơ chúng tôi nhận thấy việc khởi tố truy tố Nguyễn Văn Lợi chưa đủ căn cứ và vẫn có dáu hiệu vi phạm nghiêm trọng tố tụng trong giai đoạn điều tra.
Sau đây chúng tôi xin trình bày quan điểm của chúng tôi là không đủ căn cứ để buộc Nguyễn Văn Lơị can tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 2 điều 104 BLHS.
Điều luật này quy định như sau:
"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc 1 trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cảitạo không giam giữ từ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm...".
 Như vậy các dấu hiệu đặc trưng của tội này thể hiện như sau:
+ Mặt khách thể của tội phạm:  Phải là hành vi cố ý làm cho người khác bị thương hoặc tổn hại đến sức khỏe của người khác.
Nhưng theo các chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra thể hiện trong hồ sơ thì thấy Nguyễn Văn Lợi hành vi của Lợi không phải là cố ý mà là vô ý. Cụ thể là Lợi không cố ý dùng thanh sắt gây thương tích cho ông Nguyễn Văn Hoà mà là do Bích (con trai ông Hòa cầm xẻng định đánh nhau với Lợi) nên Lợi rút cây sắt để định đánh nhau với Bích thì ông Hòa đứng cạnh đó đưa tay ra can ngăn hai bên không cho đánh nhau nên đã bị Lợi vút trúng vào ngón tay trỏ ở bàn tay phải.
Điều này thể hiện qua các lời khai của những người tham gia tố tụng cụ thể:
- Lời khai của Nguyễn Văn Lợi BL 53 bị cáo Lợi khai: "Lúc đó Hoàn dùng thanh sắt vụt vào đầu phần bên trái của vợ tôi...tôi quay lại thấy Bích (anh trai Hoàn) cầm 1 cái xẻng. Tôi rút thanh sắt cắm ở cọc ra định vụt anh Bích thì không may ông Hoà giơ tay lên đỡ nên trúng vào tay ông Hoà".  Lời khai của Lợi với tư cách người làm chứng cho đến khi bị xác định là bị can vẫn nhất quán như vậy. Còn trong quyết định truy tố bổ sung nhận định là Lợi đã thừa nhận cố ý gây thương tích cho ôngHòa (trang...) là khôngđúng vì Lợi chỉ thừa nhận có vút vào tay ông Hòa do ông Hòa dơ tay vào can ngăn chứ không thừa nhận cố ý đánh ông Hòa bị thương.
- Lời khai của Lợi phù hợp với lời khai của những người làm chứng là anh Nguyễn Văn Quyến tại BL 94-96 cũng khai là khi đánh nhau có Toàn và Bích là chồng và anh của Hoàn xông vào đánh nhau. Bích cầm xẻng định đánh Lợi thì Lợi giơ thanh sắt ra và đúng lúc ông Hoà đang giơ tay can đánh nhau thì bị Lợi vụt trúng vào tay.
- Lời khai của người bị hại -ông Hoà cũng khai là bị đánh là do "vào can đánh nhau" thể hiện tại Biên bản lấy lời khai tại Công an xã ngày 15/7/2004 (BL63) ghi như sau: Ông Hoà là bố đẻ chị Hoàn đã vào can ngăn đã bị anh Lợi dùng gậy vụt vào tay. Ngòai ra theo lời khai tại BL thì ông Hòa đã được Lợi mời ra đểbảo Hòan không chôn cột vào phần đất của Lợi.
Vì ông Hòa sau đó có đơn đề nghị xử lý hình sự đối với Lợi nên không khách quan. Còn lời khai của những làm chứng phù hợp với lời khai của Lợi nên tôi đề nghị HĐXX căn cứ vào các chứng cứ này.
Theo quy định của pháp luật hình sự chỉ hànhvi cố ý làm tổn hại sức khỏe và tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn đối với hành vi vô ý thì phải từ 31% thì mới khởi tố Lợi được.Căn cứ khởi tố hình sự đối với Nguyễn Văn Lợi là theo biên bản giám định tỷ lệ thương tật do Viện khoa học hình sự - Bộ công an thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Thạch Thất. Kết quả: ông Nguyễn Văn Hoà bị "gãy xương bàn 2 đốt 1, ngón II bàn tay phải" với tỷ lệ thương tật là 16,84% vĩnh viễn do bị cáo Lợi gây ra.
Chúng tôi cho rằng việc Lợi đánh nhầm vào ngón tay của ông Hòa vào sáng 16/3/2004 là có nhưng chưa đủ căn cứ để kếtluận do cú vút này mà làm cho ông Hòa bị giảm tỷ lệ thuơng tật 16,84% vĩnh viễn. Cụ thể:
- Khi bị vút vào tay tình trạng vết thương của ông Hòa chỉ nhẹ và không nghiêm trọng chỉ là rách da, chảy máu. Tại hồ sơ nhập viện 105 của ông Hoà dã ghi rõ về quá trình bệnh lý như sau: "cách đây 2 ngày ra can đánh nhau bị 1 thanh sắt đánh bào bàn tay phải, gây rách ra chảy máu" (BL187). Thậm chí Toàn chồng Hoàn tại BL cũng khai không biết bố vợ bị đánh và vết thương như thế nào. Tại Biên bản làm việc với ông Đỗ Văn Hải y sĩ bệnh viện Bình Phú-người trực tiếp xử lý vết thương cho ông Hòa vào sáng ngày 16/3/2004 cũng xác nhận: vết thương chỉ rách da, chảymáu nên ông đã khâu và băng bó và ông Hòa xin về ngay vì vết thương nhẹ. Tại các  BL ông Hòa cũng thừa nhận: "Bố khôngviệc gìđâu". Chính vì  thương tích nhẹ nên ông Hoà không ở lại BV Bình phú để điều trị. Nếu là gãy xương thì chắc chắn ông Hải đã có chỉ định cấp cứu và có hồ sơ bệnh án và chắc chắn ông Hòa sẽ phải đau đớn chứ không thể đi về được.
Tuy nhiên trong hồ sơ có 1 tài liệu là phiếu chụp X quang tại viện quân y 105 Sơn tây nơi ông Hòa 2 ngày sau (18/3/2004) đã tự vào đây điều trị. Phiếu này không có số có nội dung gãy xươngbàn II ngón 2 tay phải". Nhưng không thấy tài liệu điều tra nào củacơ quan công an để làm rõ thời gian tình trạng của ông Hòa đến chụp X quang và ai là người tiến hành làm cho ông Hòa. Chúng tôi thấy việc ông Hòa tự vào viện 105 để chụp X quang chứ không phải có BV Bình phú chuỷen đến và cả hai nơi đều không có hồ sơ bệnh án nên chưa thể kết luận là do cú vút củaLợi mà làm gẫy tay được. Vì hoàn toàn có thểđặt ratìnhhuống là ông Hòa sau khi băng bó tại BV Bình phú đã bị ngã hay có 1 hành động gì để bị gẫy đúng ngón tay mà Lợi đã vút trúng. Căn cứ điều 63 BLTTHS về chứng cứ tôi thấy rằng với 1 cái phiếu chụp X quang và 1 biên bản làm việc với ông Hải (thiếu các hồ sơ bệnh án) chưa được coi là chứng cứ để làm căn cứ xác định hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Lợi. Việc đièu tra thiếu đầy đủ này đã xảy ra trước khi chuyển qua cho tòa án và sau khi tòa án có quyết định điều tra bổ sung mà cơ quan điều tra vẫn không thể bổ sung được chứng tỏ không có hành vi phạm tội xảy ra.
 Việc điều tra thiếu đầy đủ chưa tòan diện còn thể hiện oỉư chỗ: tại BL ông Hòa khai trước khi vào viện 105 đểđiều trị ông còn đến tư gia của bác sĩ Đức của Viện 105 điều trị 2 ngày. Do đó kết quả giám định thương tật vào tháng 12/2004 chưa đủ để kết luận Lợi làm cho ông Hòa suy giảm sức khỏe và tỷ lệ thương tật 16,84% vĩnh viễn.
Từ những căn cứ nêu trên chúng tôi cho rằng việc ông Hoà bị tỷ lệ thương tật 16,84% không phải do Lợi cố ý dùng thanh sắt đánh gây ra.
+Về mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội này là hành vi tác động vào cơ thể của người khác gây ra thương tích. Hành vi này phải là hành vi cố ý. Tuy nhiên qua nghiên cứu hồ chúng tôi thấy rằng hành vi của Lợi không phải là hành vi cố ý mà là do vố ý vụt trượt vào ông Hoà. Nếu là cố ý thì với khoảng cách 0,3m thì ông Hoà phải né tránh thì mới bị vụt trúng còn đứng yên chỉ đưa tay che thì vẫn vào đầu và người. Mặt khác vết thương vào mu bàn tay phải của ông Hoà như vậy hướng đánh của Lợi không thể là đối diện được mà phải là ngang thì mới trúng mu (nếu đối diện giơ tay lên thì không thể vào mu bàn tay được mà chỉ là vụt ngang (tức là vụt Bích nhưng ông Hoà giơ tay can thì bị trúng bàn tay phải - Bích ở bên phải ông Hoà). Tại biên bản lấy lời khai cảu ông Hoà ngày 22/3/2004 (BL64) ông Hoà khai: "...lúc này Lợi có lấy 1 đoạn sắt soắn phi 14 dài 1m đánh vào tôi trúng vào tay phải, mu bàn tay làm gãy ngón tay trỏ, chỉ lúc này do bị đánh đau tôi ngồi xuống thì Bích con trai tôi có cầm 1 chiếc xẻng sang định đánh nhau với Lợi, tôi có bảo Bích là thôi con ạ bố không việc gì".
Hơn nữa  tội cố ý gây thương tích hoặc gay tổn hại cho người khác là cấu thành vật chất nên cần phải xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả xảy ra: Cụ thể là hành vi dùng thanh sắt đánh ông Hoà của Lợi và tỷ lệ thương tật của ông Hoà là do cú đánh này gây ra.
+ Căn cứ chứng minh thương tích của ông Hoà không phải do hành vi của Lợi gây ra.
Sự việc Lợi đánh ông Hoà rất ít người biết, bản thân Hoàn là con gái ông Hoà cũng khai tại BL 84 như sau: "...Sau khi đánh Thảo xong mọi người đưa tôi vào nhà....tôi không nhìn thấy Lợi đánh ông Hòa (bố tôi) lúc đó. Vào thời gian xảy ra đánh nhau có rất nhiều người chứng kiến nhưng họ chỉ chứng kiến việc Hoàn đánh Thảo còn việc Lợi đánh ông Hoà thì những người này không nhìn thấy ví dụ: Lời khai của người làm chứng là anh Nguyễn Khắc Hùng tại BL100 như sau: "Tôi không nhìn thấy chú Lợi vụt ai. Tôi thấy cô Hoàn vụt vào trán phải cô Thảo vợ chú Lợi". Chị Nguyễn Thị Hương tại BL86-88 khai: "Anh Lợi có đánh ai không thì tôi không rõ". Duy chỉ có lời khai của anh Quyến (BL 94-96) là phù hợp với lời khai của Lợi là hoàn cảnh anh Lợi vụt trúng tay của ông Hoà là do ông Hoà vào can đánh nhau nhằm lúc lợi vụt trượt anh Bích khi anh này cầm xẻng định đánh Lợi.
Ngày ông Hoà bị thương là ngày chị Thảo cũng bị thương (cùng trong ngày 16/3/2004) và khoảng cách thời gian hai sự việc chỉ cách nhau không lâu. Nhưng trong hồ sơ thì có đầy đủ các tài liệu về quá trình chị Thảo được đi cấp cứu ban đầu, qúa trình nằm viện, điều trị vết thương do bị cáo Hoàn đánh và kết quả giám định tỷ lệ thương tật được thực hiện bởi Viện giám định pháp  y.
Nhưng trong hồ sơ thì không có tài liệu về cấp cứu ban đầu đối với ông Hoà, chỉ có bệnh án tại Viện 105 là thời gian ông Hòa đến điều trị (vào ngày 18/3/2004 - là 3 ngày sau). Theo lời khai của ông Hoà thì ông đi cấp cứu ban đầu tại bệnh việc Bình Phú. Nhưng ai đưa ông Hoà đế bệnh viện Bình Phú và tình trạng vết thương ra sao thì không thấy thể hiện. Chỉ có một nhân chứng là chị Nguyễn Thị Hương là nhìn thấy ông Hoà ở bệnh viện Bình Phú khi chị Hương đưa chị Thảo đi cấp cứu tại đây (BL 88-93). Chị Hương khai như sau: "Ông Hoà bị đánh thế nào tôi không biết, chỉ biết khi tôi đang ở bệnh viện Bình Phú thì thấy ông Hoà xuống băng bó, tôi không để ý tay nào".
Theo hồ sơ bệnh án của Viện 105 thì ngày ông Hoà vào viện điều trị là ngày 18/3/2004 là tự đến chứ không phải do bênh viện Bình Phú chuyển tiếp đến như trong lời khai của ông Hoà tại BL205 là: "Sau khi bị đánh tôi đi cấp cứu ở bệnh viện Bình Phú ngay hôm đó là ngày 16/3/2004 bênh viện Bình Phú đã chuyển viện 105 Sơn Tây để chụp phim vì vết thương hở chảy máu nên không bó bột được nên tôi phải ra điều trị nhà anh Đức (bác sỹ bệnh viện Sơn Tây 2 ngày) đến ngày 18/3/2004 thì vào viện 105 điều trị đến ngày 29/3/2004 thì ra viện". Như vậy, trong hồ sơ không có tài liệu nào về thời gian điều trị tại nhà bác sỹ Đức, thời gian này phù hợp với thời gian nhập viện 105 của ông Hoà là vào ngày 18/3/2004. Việc ông Hoà khai là được bệnh viện Bình Phú chuyển đến viện 105 là không đúng mà do ông tự lên. Tại biên bản làm việc với y sĩ Hải - người trực tiếp băng bó vết thương cho ông Hoà cũng xác định là khi ông Hoà ra viện thì tình trạng vết thương khô và sức khoẻ bình thường. Nhưng sau này ông Hoà bị đau nặng do đó không có căn cứ xác định tình trạng thương tích là do anh Lợi gây nên.
Như vậy là tình trạng vết thương của ông Hoà sau khi bị đánh là bình thường, chính tại lời khai ban đầu tại công an xã của ông Hoà đã thể hiện là không có vấn đề gì nghiêm trọng và ông Hoà cũng không đề nghị khởi tố hình sự đối với Lợi, không đề nghị đi giám định tỷ lệ thương tật. Còn sau này ông Hoà đề nghị khởi tố Lợi cũng không phải là do vết thương mà do Lợi lừa ông nói là để giải quyết 2 nhà nhưng lại không giữ lời hứa mà vợ Lợi đã làm đơn đề nghị khởi tố Hoàn - con gái ông nên ông cũng làm đơn đề nghị xử lý hình sự đối với Lợi. Cụ thể là ông Hoà bị thương vào ngày 16/3/2004 nhưng đến ngày 14/8/2004 (5 tháng sau) ông Hoà mới làm đơn xin đi giám định thương tật. Trong khi theo hồ sơ bệnh án của Viện 105 thì vào trước thời điểm ông Hoà ra viện ngày 22/3/2004 thì tình trạng vết thương đã là: "toàn trạng ổn định, tại chỗ vết thương khô, cắt chỉ, liền sẹo, bột khô vững". Trong khi tại Biên bản lấy lời khai ngày 6/12/2004 (9 tháng sau) thì ông Hoà khai với cơ quan điều tra như sau: "Tôi bị đau bàn tay phải, vết gãy xương bàn tay phải chưa liền, đầu xương bàn tay bị thò ra, tay tôi luôn đau nhức" (BL195). Như vậy với 1 khoảng thời gian dài như vậy trong tình trạng không có hồ sơ cấp cứu ban đầu nên chúng tôi thấy rằng chưa đủ căn cứ để xác định hành vi của Lợi là nguyên nhân gây ra tỷ lệ thương tật của ông Hoà.
+ Căn cứ chứng minh không có mối quan hệ nhân quả giữa cú vụt của Lợi và tỷ lệ thương tật của ông Hoà.
    Tại Biên bản giám định tỷ lệ thương tật đã kết luận ông Hoà bị thương tật với tỷ lệ 16,84% điều này là có nhưng chưa đủ chứng minh là do Lợi vụt phải do Lợi vụt phải vì:
    - Sáng ngày 16/3/2004 ông Hoà vào bệnh viện Bình Phú băng bó được xác định là chỉ rách ra chảy máu chứ không phải chụp X quang và buộc điều trị hoặc chuyển lên tuyến trên. Trong khi đó ông Hoà lại khai chiều 16/3/2004 đến chụp X quang tại Viện 105 Sơn Tây. Về vấn đề này cơ quan điều tra cũng chưa làm rõ về thời gian chụp X quang và ai chụp X quang cho ông Hoà. Khoảng thời gian này đã không loại trừ khả năng ông Hoà bị ngã gãy hay bị thương tích khác đúng vào chỗ vết thương do Lợi gây ra. Tại Biên bản phiên tòa ngày 12/8/2005 ông Hải đã khai là ông có ký giấy chuyển viện cho ông Hòa nhưng là do y tá viết sau này ông đã viết lại cho ông Hòa và ghi rõ từ chuyên môn (cụ thể là gãy xương ở đót ngón 2 bàn tay phải) sở dĩ ông viết cụ thể là do được con ông Hòa đưa cho xem phim chụp. Như vậy tài liệu này không thể coi là chứng cứ mặc khác lại không được thu thập theo trình tự mà BLTTHS quy định. Việc tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào tài liệu này để xác định Lợi có dấu hiệu tội phạm là vi phạm tố tụng.
    - Hơn nữa theo lời trình bày theo lời trình bày của các nhân chứng (anh Nguyễn Văn Quyến - BL94) thì ông Hòa bị vụt vào tay trái. Nhưng trong các lời khai của ông Hòa (BL 118, 170, 174) thì lại là tay phải. Đồng thời trong hồ sơ bệnh án của ông Hòa cũng xác định ông Hòa bị "gãy xương bàn 2, đốt 1, nhóm II bàn tay phải" (BL 187). Đây là điểm mẫu thuẫn cơ bản bởi tất cả các nhân chứng đều khai là Lợi vụt vào tay trái ông Hòa nhưng ông Hòa lại đề nghị giám định tay phải.
Tại cấp sơ thẩm qua 4 lần xét xử chúng tôi đề nghị HĐXX làm rõ vấn đề này bởi những chứng cứ không khớp trong hồ sơ và có thể vết thương ở tay ông Hòa không phải do Lợi gây ra. Điều này là hoàn toàn có căn cứ bởi trong các lời khai của chị Hoàn (con gái ông Hòa) và những người làm chứng đều cho rằng không nhìn thấy Lợi đánh ông Hòa. Nhưng tòa án cấp sơ thẩm đã không làm rõ được mối quan hệ nhân quả giữa cú vút của Lợi với tỷ lệ thương tật của ông Hòa mà đã khằng định là do Lợi đánh là không có căn cứ.
- Mặt khác có một điểm mà chúng tôi cũng thấy cần phải làm rõ là: Sự việc xảy ra ngày 16/3/2004 và theo giấy ra viện thì tình hình sức khoẻ của ông Hoà là hoàn toàn bình thường. Nhưng đến ngày 12/8/2004 ông Hòa mới có đơn xin giám định thương tật và ngày15/12/2004 mới có kết luận giám định pháp y. Điều này là không có cơ sở vì khoảng thời gian từ 16/3/2004 đến 12/8/2004 (5 tháng) là quá dài, trong khoảng thời gian này có thể ông Hòa bị thương ở tay vì một nguyên nhân khác chứ không phải do sự việc ngày 16/3/2004. Mặt khác Lợi cũng đã có đơn đề nghị cho ông Hòa đi giám định lại vì không thể sau khi đã điều trị tại bệnh viện 105 với vết thương khô bột vững chắc, thậm chí ông Hòa đã không cần quay lại sau 1 tuần để bệnh viện kiểm tra thì tại sao 5 tháng sau lại có thể ở tình trạng xương lòi ra như ông Hòa khai tại cơ quan kiểm sát huyện Thạch Thất.
- Trong hồ sơ vụ án tại ngày 12/8/2005 đã có tài liệu về việc cấp cứu ban đầu của ông Hoà tại bệnh viện Bình Phú nhưng tài liệu này chưa được cơ quan điều tra xác minh làm rõ và thẩm định về tính chân thực cũng nhủ pháp lý để xác định đó là chứng cứ theo quy định tại khoản 1 điều 64 cũng như không được thu thập theo quy định tại điều 65 BLTTHS. Nên không thể căn cứ vào tài liệu này để xác định việc ông Hoà bị tổn hại sức khoẻ là do Lợi gây nên.
+ Mặt chủ quan của tội phạm:
Qua phân tích nêu trên cho thấy Nguyễn Văn Lợi về mặt chủ quan không có ý định và mong muốn gây thương tích cho ông Nguyễn Văn Hoà. Vì nếu ông Hoà không giơ tay can ngăn thì sẽ không bị vụt trúng tay lúc đó. Giả sử Lợi muốn gây thương tích cho ông Hoà thì đã có thể đánh ngay tại trong nhà ông Hoà mà không cần phải kéo ông ra tận sân chỗ đông người để gây thương tích.
    Chúng tôi cho rằng việc Lợi vớ lấy thanh sắt ở cọc là ngẫu nhiên với mục đích chống trả và phòng vệ bị Bích đánh bị thương bằng xẻng, lúc đó vợ Lợi là Hoàn cũng đã vô cớ dùng thanh sắt đập vào đầu. Việc Lợi lấy thanh sắt này để tự vệ là có cơ sở vì lúc đó Thảo - vợ của Lợi đã bị Hoàn dùng thanh sắt đánh vào đầu chảy máu. Sự việc đánh nhau là bắt nguồn của mâu thuẫn do tranh chấp về để chôn cọc mà bị cáo Hoàn gây ra trước chứ không phải la vô cớ. Do đó chúng tôi thấy rằng về mặt chủ quan thì tội phạm không được thực hiện bởi lỗi cố ý trực tiếp.
Tóm lại: Căn cứ vào các chứng cứ hiện có trong hồ sơ vụ án thì chúng tôi thất các cơ quan tiến hành tố tụng chưa chứng minh được đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích do Nguyễn Văn Lợi gây ra đối với ông Nguyễn Văn Hoà theo quy định tại khoản 2 điều 104 BLHS.
Gỉa sử mà HĐXX không chấp nhận đề nghị của luật sư đình chỉ xẻt xử hình sự đối với Lợi thì cũng đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm của Lợi để điều tra lại vì việc khởi tố và truy tố Lợi là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Chúng tôi xin trình bày lại những vi phạm BLTTHS trong giai đoạn điều tra khởi tố đối với Nguyễn Văn Lợi như sau:
    - Sự mâu thuẫn giữa bản kết luận điều tra của Cơ quan công an và cáo trạng của VKS cụ thể: Trong bản kết luận điều tra bổ sung đã kết luận như sau: "Hai bên gia đình Lợi và Hoàn cãi nhau dẫn đến xô xát. Lợi tát Hoàn 1 cái, Hoàn dùng thanh sắt soắn phi 14 đánh Thảo (vợ Lợi) bị thương, Lợi cầm thanh sắt soắn phi 14, Nguyễn Văn Bích (con trai ông Hoà) cầm chiếc xẻng, hai bên đánh nhau ông Hoà vào can ngăn thì bị Lợi vụt trúng tay...". Nhưng trong Cáo trạng thì lại không đề cập đến chi tiết ông Hoà vào can ngăn hai bên đánh nhau thì bị Lợi vụt trúng vào tay mà lại kết luận như sau: "Sau khi thấy vợ bị đánh Nguyễn Văn Lợi đã dùng 1 thanh sắt soắn phi 14 dài khoảng 1,4m đánh ông Nguyễn Văn Hoà (bố của Hoàn), khi bị đánh ông Hoà giơ tay phải lên đỡ thì bị thương...".
- Theo quyết định phân công điều tra viên của Thủ trưởng công an huyện Thạch Thất là điều tra viên Cấn Văn Thắng. Nhưng các biên bản lấy lời khai của nguyễn Văn Lợi thì lại do người không phải là điều tra viên được phân công ký (ví dụ Hồ Phùng Hưng, Nguyễn Văn ngọc tại BL 99). Như vậy về mặt pháp lý thì hồ sơ điều tra truy tố đối với Nguyễn Văn Lợi là chưa đúng thủ tục.
    - Ngày 24/1/2005 Nguyễn Văn Lợi đã có đơn khiếu nại gửi các cơ quan tiến hành tố tụng khiếu nại về việc cơ quan điều tra chỉ gọi Lợi lên mà không có giấy triệu tập, chỉ đến 1 lần và yêu cầu ký khống một số giấy tờ mà chưa có nội dung, bản thân Lợi không biết chữ (trình độ văn hoá 2/10) còn vợ Lợi là chị Thảo lại không được vào cùng. Việc khiếu nại của Lợi là có cơ sở cụ thể: Trong hồ sơ có 4 biên bản lấy lời khai của Lợi (ngày 14, 29, 30, 31/12/2004 trong khi Lợi lại khai là chỉ có 2 lần đến cơ quan điều tra và trong hồ sơ cũng không có các giấy triệu tập của cơ quan điều tra).
    - Trong hồ sơ điều tra chưa thấy Biên bản giao quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can trong khi theo quy định tại khoản 3 điều 127 BLTTHS thì bị can Lợi phải được giao ngay tài liệu này. Trong ngày 25/12/2004 cơ quan điều tra lập 1 lúc các biên bản sau: Biên bản ghi lời khai, biên bản giao quyết định huỷ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tống đạt quyết định khởi tố bị can, biên bản hỏi cung bị can.
    - Trong hồ sơ có các tài liệu của cơ quan tiến hành tố tụng thể hiện sự mâu thuẫn về thời gian như: Quyết định hủy QĐ xử phạt vi phạm hành chính ngày 13/12/2004 có hiệu lực từ ngày 23/2/2004 (BL177), biên bản giao quyết định huỷ quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày 28/12/2004 (BL178), Biên bản trao trả tài sản (200.000 đồng là Lợi đã nộp phạt) ngày 28/12/2004 (BL179). Đặc biệt là quyết định khởi tố bị can ngày 24/12/2004 (BL180) trước ngày lập biên bản giao quyết định huỷ quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày 28/12/2004 (BL178) đáng ra là phải giao trước khi ra quyết định. Tại phiên tòa sơ thẩm tài liệu làm rõ chi tiết Lợi đã được nhận lại 200 nghìn đồng là chưa có vì theo quy định Lợi phải ra kho bạc nơi đã nộp tiền phạt để nhận lại tiền phạt. Việc cơ quan điều tra khởi tố Lợi là vi phạm tố tụng.
- Biên bản bàn giao cho bị can không ghi ý kiến của bị can.
- Trong hồ sơ có rất nhiều tài liệu thể hiện ông Hoà không đề nghị giám định thương tật thể hiện vết thương của ông Hòa không hề trầm trọng: BL63, Biên bản lấy lời khai tại Công an xã ngày 17/5/2004 ông Hoà khai: "Tôi đã được bồi thường do các con tôi nhận tôi không biết là bao nhiêu. Tôi có bệnh án và đơn thuốc, không yêu cầu hình sự, không yêu cầu bồi thường tuỳ anh Lợi".
Chính những vi phạm tố tụng nghiêm trọng này mà luật sư đã đề nghị tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ xét xử để chuyển về điều tra lại phần hình sự đối với bị cáo Lợi nhưng tòa án cấp sơ thẩm vẫn xét xử và buộc tội Lợi như vậy là vi phạn tố tụng.
4. Kiến nghị của luật sư:
Từ những căn cứ trên, chúng tôi đề nghị HĐXX phúc thẩm cụ thể như sau:
- Vận dụng khỏan 2 điều 107 và 250 BLTTHS hủy bản án sơ thẩm phần xét xử Nguyễn Văn Lợi và đình chỉ vụ án.
- Vận dụng điều 251 hủy bản án sơ thẩm phần đối với Lợi để điều tra lại.
                                        Xin trân trọng cảm ơn.
                             Hà Nội, ngày 5 tháng 12 năm 2005.
                                               Các luật sư

                  Nguyễn Thanh Hùng           Phan Thị Hương Thủy

Một số hình ảnh tại phiên tòa xét xử ngày 27/7/2009

S73F6510.JPG

S73F6511.JPG

S73F6520.JPG
Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Lợi trong vụ án Cố ý gây thương tích tại Tòa án Nhân dân huyện Thạch Thất do luật sư Phan Thị Hương Thủy thực hiện bào chữa từ giai đoạn điều tra

S73F6843.JPG
Phần tranh luận giữa luật sư bào chữa và đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố đã chiếm nhiêu thời gian bởi có nhiều vấn đề chứng minh tội phạm chưa được cơ quan điều tra làm rõ đã được công luận quan tâm