Sa thải lao động không đúng pháp luật

Ngày cập nhật: 25/07/2011
Ông Graham Neville Ferreira có quốc tịch Nam Phi. Ngày 29.6.1996 Công ty Genisys và ông Graham cùng giao kết hợp đồng số GIE/PER/642 về việc tuyển dụng ông Graham vào làm việc cho Công ty Genisys tại Việt Nam.

Sa thải lao động không đúng pháp luật

        Ông Graham Neville Ferreira có quốc tịch Nam Phi. Ngày 29.6.1996 Công ty Genisys và ông Graham cùng giao kết hợp đồng số GIE/PER/642 về việc tuyển dụng ông Graham vào làm việc cho Công ty Genisys tại Việt Nam. Hợp đồng có một số nội dung chính sau:
- Chức vụ: Giám đốc dự án
- Lương: 4000 USD.
- Thời hạn hợp đồng là ba năm kể từ ngày 02/7/1996
- Điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn: thông báo trước 03 tháng (điều 14)
- Nếu vi phạm thời hạn thông báo, bên có lỗi phải bồi thường một số tiền tương đương với số tháng chậm thông báo (điều 15)
- Tiêu chuẩn hai vé khứ hồi (cho ông Graham và vợ ) để về phép một năm một lần. Nếu không về nước thì Công ty sẽ trả một khoản tiền tương đương (điều 6)
-Tiền thưởng cuối năm tương đương một tháng lương.
      Trên cơ sở hợp đồng đã ký kết, ông Graham sang Việt Nam làm việc đúng thời hạn đã thoả thuận. Sau thời gian thử việc 04 tháng, với nhận xét rất tốt của công ty Genisys, ông Graham chính thức làm việc với cương vị là Giám đốc dự án tại công trình khách sạn Sheraton (nơi Công ty Genisys được Bộ Xây dựng cấp giấy phép thầu xây dựng).
       Nhưng ông Graham mới làm việc được 9 tháng thì đến ngày 08/04/1997 Công ty Genisys tuyên bố chấm dứt hợp đồng với ông bằng miệng và ngày hôm sau bằng văn bản mà không tuân thủ thời gian phải thông báo trước 03 tháng như đã thoả thuận trong hợp đồng. Lý do của Công ty  Genisys chấm dứt hợp đồng lao động với ông Graham là do ông vi phạm nội quy của công ty (vi phạm điều 17): Ông đã để xe máy qua đêm ở tiền sảnh khách sạn nơi ông Graham ở, ông Graham đưa phụ nữ vào khách sạn, ông không tham gia phiên họp vào ngày 08, 09/04/1997 với nhà thầu chính của khách sạn Horizon, ông có hành vi đe dọa Giám đốc Công ty vào ngày 8, 9/4/1997.Ông Graham cũng không nhận được khoản tiền nào từ phía công ty Genisys.
ông Graham cho răng theo quy định của hợp đồng ông sẽ được trả:
1.    Lương cho 8 ngày làm việc (từ 1/4/1997 đến 8/4/1997): 1.066USD
2.    Số tiền bằng 3 tháng lương do vi phạm điều 14: 12.000USD
3.    Tiền tương đương hai vé máy bay khứ hồi theo quy định tại điều 6: 2.000 USD
4.    Tiền ở khách sạn cho 03 tháng thông báo: 3.000 USD
5.    Chi phí đi lại trong 03 tháng thông báo: 2.000 USD
6.    Tiền bồi thường vì suy giảm tinh thần do bị sa thải: 10.000USD
7.    Tiền thưởng do năng suất và hiệu quả làm việc cho 03 năm làm việc (nếu không bị sa thải) theo điều 7: 12.000USD
8.    Tiền lương mà đáng lẽ ông Graham được nhận nếu như Công ty Genisys thực hiện đúng thời hạn nêu trong hợp đồng: 108 000USD
9.    Tiền bồi thường danh dự do phỉ báng, nói xấu ông làm ông có thể gặp khó khăn khi đi xin việc ở chỗ khác: 60.000USD
Tổng cộng: 300.466USD .   
   Hỏi:  Việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Graham của Công ty Genisys có đúng theo quy định trong hợp đồng và quy định của pháp luật về lao động? Ông Graham sẽ được công ty Genisys bồi thường các khoản tiền nào khi bị chấm dứt hợp đồng trái pháp luật?

Quan điểm luật sư:
       Theo Công ty Genisys thì ông Graham đã vi phạm điều 17 của hợp đồng do đó công ty có quyền chấm dứt hợp đồng ngay lập tức mà không phải báo trước. Nhưng lý do mà công ty Genisys đưa ra chỉ là cái cớ để chấm dứt hợp đồng với ông Graham chứ không phải do ông cố tình vi phạm hợp đồng. Cụ thể:
-    Vì công ty Genisys không cung cấp ô tô cho ông Graham như đã thoả thuận nên ông Graham phải dùng xe máy để đi làm. Do đó để bảo vệ xe máy khỏi mất trộm, ông Graham phải cất xe máy vào ban đêm tại tiền sảnh của khách sạn. Ngoài ông Graham, tại thời điểm đó cũng có  nhiều nhân viên khác của công ty để xe máy qua đêm tại khách sạn. Vào các tối, có ít nhất 3 xe máy khác cũng để trong tiền sảnh. Tại Việt Nam, đã có một hệ thống tiêu chuẩn về chỗ để xe máy trong tiền sảnh của khách sạn.
-    Theo thoả thuận trong hợp đồng, công ty cung cấp một chỗ ở cho hai người. Căn cứ vào thư của ông Graham gửi công ty Genisys và Giấy chứng nhận kết hôn do UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp thì việc ông đưa cô Đỗ Thị Thu Hiền (ngoài ra không có người phụ nữ nào khác) vào khách sạn một cách công khai là không vi phạm hợp đồng. Ngoài ra việc Công ty Genisys cho rằng ông Graham vi phạm nội quy của công ty là đưa phụ nữ vào khách sạn, thì đó chỉ là cái cớ để gây khó khăn cho ông Graham. Vì nếu đó là nội quy của công ty thì Công ty phải thông báo trước cho moị người thực hiện và phải áp dụng đối với toàn thể mọi người chứ không chỉ áp dụng riêng đối với ông Graham. Thực tế thì ngày 12/3/1997( ngày mà sau khi giữa ông Graham và Công ty Genisys đã có những bất đồng) thì ông Martin - người quản lý mới gửi thông báo về việc cấm đưa phụ nữ vào khách sạn
-    Việc ông không dự phiên họp giao ban vào các ngày 8, 9/4/1997 do Công ty Geniys đã tuyên bố sa thải ông Graham  vào ngày 8/4/1997 bằng miệng và ngày 9/4/1997 bằng văn bản do đó việc ông Graham không tới dự cuộc họp là không phải lỗi của ông Graham.
-    Việc Công ty Genisys buộc tội ông Graham có hành vi đe doạ ông Giám đốc công tyvào ngày 8,9/4/1994. Thực ra đây chỉ là việc tranh luận giữa ông Graham với Giám đốc công ty về việc Công ty Genisys đột ngột chấm dứt hợp đồng lao động mà ông cho rằng trái với thoả thuận và không có căn cứ.
      Theo quy định tại điều 14 của hợp đồng, trong trường hợp nếu Công ty Genisys muốn chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn thì phải thông báo trước cho ông Graham 3 tháng. Nhưng ngày 8/4/1997 công ty thông báo bằng miệng với ông Graham là chấm dứt hợp đồng và ngay ngày hôm sau là bằng văn bản xác nhận lại việc chấm dứt hợp đồng và buộc ông Graham phải thôi việc ngay lập tức. Điều 15 trong hợp đồng quy định: "Trong trường hợp các bên  không thực hiện việc thông báo trước ba tháng và không có sự đồng ý của hai bên về mâu thuẫn, thì bên có lỗi phải bồi thường cho bên kia một số tiền lương tương đương với số tháng chậm thông báo.Do vậy ông Graham được trả số tiền bằng 3 tháng lương do vi phạm điều 14.
         Về việc đòi công ty Genisys thanh toán 8 ngày lương đã làm việc (từ ngày 01/4 đến 8/4/1997). Thực tế là ông Graham có làm việc và chưa được nhận tiền lương do đó căn cứ vào điều 1 của hợp đồng Công ty Genisys phải có nghĩa vụ thanh toán tiền lương cho ông Graham cho thời gian mà ông đã làm việc. Vì công ty Genisys có lỗi trong việc không trả lương cho nên Công ty phải trả tiền lãi từ 8/4/97 cho đến thời điểm thanh toán.
         Theo quy định tại điều 1 thư ngày 18/4/1996 của Công ty liên doanh Global Toserco thì trường hợp ông Genisys muốn chấm dứt hợp đồng với Giám đốc dự án thì trước đấy phải được sự đồng ý bằng văn bản của Công ty liên doanh Global Toserco. Nhưng căn cứ thư ngày 11/4/1997 của Công ty Genisys gửi nhà thầu chính thì Công ty Genisys đã thừa nhận đã vi phạm cam kết này là ngày 8/4/1997 chấm dứt hợp đồng với ông Graham và đến ngày 11/4/1997 mới thông báo cho công ty liên doanh biết.
       Công ty Genisys cũng phải thừa nhận kết quả công việc của ông Graham. Cho nên việc Công ty Genisys chấm dứt hợp đồng với ông Graham là trái pháp luật do đó phải bồi thường cho ông các khoản đã cam kết trong hợp đồng.