QUAN ĐIỂM LUẬT SƯ Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nguyễn Đức Đăng và Nguyễn Văn Cường trong vụ kiện tranh chấp giữa thành viên cty và cty

Ngày cập nhật: 25/06/2014
QUAN ĐIỂM LUẬT SƯ Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ông Nguyễn Đức Đăng và Nguyễn Văn Cường (Nguyên đơn) trong vụ kiện tranh chấp giữa thành viên và Công ty (Bị đơn: Công ty Cổ phần giày Đông Anh (DAFCO)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập-Tự do-Hạnh phúc

---------------------------------

QUAN ĐIỂM LUẬT SƯ

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ông Nguyễn Đức Đăng và Nguyễn Văn Cương (Nguyên đơn) trong vụ kiện tranh chấp giữa thành viên và Công ty (Bị đơn: Công ty Cổ phần giày Đông Anh (DAFCO)

 

Kính thưa Hội đồng xét xử sơ thẩm

Tôi là Phan Thị Hương Thủy-luật sư thuộc Văn phòng luật sư Hoàng Long (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) xin trình bày quan điểm bảo vệ quyên và lợi ích hợp pháp cho Nguyên đơn cụ thể như sau:

          Thứ nhất: Về hình thức:

          Có những vấn đề sau cần xem xét trước khi đi vào nội dung:

- Quan hệ pháp luật mà Nguyên đơn đề nghị Tòa án giải quyết: Căn cứ Đơn khởi kiện ngày 6/3/2009 và Đơn bổ sung đơn khởi kiện ngày 18/8/2009 thì yêu cầu của các Nguyên đơn đề nghị tòa án giải quyết liên quan đến Nghị quyết Đại hội đồng thường niên 2005 Công ty Cổ phần giày Đông Anh ngày 20/1/2007-căn cứ điều Luật DN thuộc vấn đề hoạt động của công ty cổ phần sau khi thành lập nên tính chất tranh chấp là kinh doanh thương mại.

- Tư cách chủ thể: Căn cứ Sổ đăng ký cổ đông Công ty CP giày Đông Anh năm 2003 và 2007 thì ông Nguyễn Đức Đăng là cổ đông nắm giữ 4444 cổ phần và ông Nguyễn Văn Cường nắm giữ 14 cổ phần nên có căn cứ xác định 2 ông Đăng và Cường là cổ đông Công ty CP Giay Đông Anh.

- Thẩm quyền của tòa án: Căn cứ khoản 3 điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự quy định những tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án là “ tranh chấp giữa công ty với thành viên của công ty liên quan đến hoạt động của công ty” và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý vụ kiện là đúng quy định tại điểm a khoản 1 điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự.

- Thời hiệu khởi kiện: Căn cứ xác nhận của ông Nguyễn Hồng Anh –chủ tịch HĐQT Công ty DAFCO xác định ngày 1/3/2009 ông Nguyễn Đức Đăng và ông Nguyễn Văn Cường được nhận Biên bản và Nghị quyết Đại hội đông cổ đông thường niên năm 2005 của Công ty DAFCO họp ngày 20/1/2007. Căn cứ điều 107  Luật DN năm 2005 quy định “Trong thời han 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định Đại hội cổ đông có quyền yêu cầu tòa án hủy bỏ quyết định của Đại hội.

Nên ngày 6/3/2009 ông Đăng và ông Cường có đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân TP Hà Nội giải quyết tranh chấp là trong thời hạn quy định. Tòa án Nhân dân thành phố thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền và đúng pháp luật.

2. Tại phần thủ tục căn cứ khoản 2 điều  180 Bộ luật tố tụng dân sự tòa án đã tiến hành hòa giải Nguyên đơn và Bị đơn kết quả hai bên đã đạt được thỏa thuận: Nguyên đơn chỉ yêu cầu hủy phần nội dung biên bản và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty DAFCO về chủ trương bán phần vốn nhà nước của SCIC và Bị đơn đã chấp nhận vì đúng là sai với trình tự thủ tục do Luật DN quy định. Căn cứ điểm e khoản 2 điều 58 Bộ luật tố tụng dân sự quy định quyền của đương sự “tự thỏa thuận về việc giải quyết vụ án”. Thỏa thuận của hai bên là tự nguyện và không trái pháp luật theo quy định tại khoản 2 điều 180 nên đề nghị tòa án chấp nhận.

Căn cứ khoản 1 điều 220 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về việc các đương sự thỏa thuận về việc giải quyết vụ án tại phần thủ tục của phiên tòa thì “tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự và quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay” (khoản 2 điều 220).

          3. Tư cách của Tổng công ty kinh doanh và đầu tư vốn nhà nước (SCIC): SCIC là cổ đông nắm giữ 45% cổ phần trong Công ty DAFCO. Sau khi tòa án thụ lý vu án kinh doanh thương mại theo đơn khởi kiện của ông Đăng và ông Cường, ngày 13/3/2009 Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có đơn gửi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị được tham gia vụ án với tư cách là Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đơn của SCIC đã được tòa án chấp nhận là đúng với khoản 1 điều 177 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vì phần nội dung Nguyên đơn yêu cầu hủy liên quan đến Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ngày 20/7/2007 ký giữa SCIC với Công ty Jimbrother về việc SCIC chuyển nhượng toàn bộ 45% cổ phần trong Công ty DAFCO cho Công ty Jimbrother theo giá thỏa thuận và Công ty đã không chấp nhận không cho JimBrother đăng ký vào Sổ cổ đông của Công ty nên SCIC đã khởi kiện yêu cầu tòa án hủy Biên bản và Nghị quyêt Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2006 họp ngày và hiện nay vụ án đang bị Tòa phúc thẩm tối cao ra quyết định tạm đình chỉ để chờ kết quả giải quyết của vụ án do ông Nguyễn Đức Đăng và Nguyễn Văn Cường khởi kiện yêu cầu tòa án hủy Biên bản và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Công ty DAFCO năm 2005 thông qua chủ trương bán phần vốn nhà nước trong Công ty DAFCO.

Tuy nhiên tại phiên tòa vì Nguyên đơn và Bị đơn đã tự thỏa thuận giải quyết vụ án và được tòa án công nhận và không cần phải tiếp tục xét xử nữa.

Căn cứ điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về thủ tục yêu cầu phản tố hoăc yêu cầu độc lập “ theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của Nguyên đơn”. Căn cứ khoản 1 điều 171 thì người có yêu cầu độc lập phải nộp tạm ứng án phí thì mới được coi là có tư cách như Nguyên đơn đề nghị  tòa án  tiếp tục phiên tòa giải quyết yêu cầu của mình. Trong trường hợp NĐ và BĐ không tự thỏa thuận về cách giải quyết vụ án thì SCIC không cần thiết phải nộp tạm ứng án phí. Nhưng trong trường hợp NĐ-BĐ tự thỏa thuận việc giải quyết thì tòa án không cần phải xét xử, nên SCIC muốn tòa án giải quyết yêu cầu của mình thì phải làm thủ tục khởi kiện như quy định tại điều 168. Nhưng tại đơn đề nghị ngày 13/3/2009 SCIC chỉ đề nghị được tham gia tố tụng chứ không yêu cầu được nộp tạm ứng án phí nên tòa án không có căn cứ để tiếp tục xét xử yêu cầu của SCIC yêu cầu giữ nguyên hiệu lực của biên bản và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2005 về chủ trương chuyển nhượng cổ phần của nhà nước.

Như vậy căn cứ điều 220 Bộ luật tố tụng dân sự thì tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của NĐ và BĐ mà không cần giải quyết yêu cầu độc lập của SCIC.

Thứ hai: Về nội dung:

Trong trường hợp SCIC tuân thủ quy định thủ tục khởi kiện như Nguyên đơn yêu cầu tòa án giữ nguyên hiệu lực của biên bản và Nghị quyết Đại hội đồng thương niên công ty DAFCO năm 2005 phần nội dung chủ trương bán phần vốn nhà nước thì tôi xin trình bày các căn cứ để phản bác yêu cầu này của SCIC.

1. Trước hết cần xác định yêu cầu cụ thể mà SCIC yêu cầu tòa án giữ nguyên (và cũng là yêu cầu khỏi kiện ban đầu của Nguyên đơn):

Trong tờ ghi nội dung Nghị quyết Đại hội đồng thường niên 2005 Công ty Cổ phần giày Đông Anh ngày 20/1/2007 có hai phần chính:

Báo cáo tài chính năm 2005, phương án phân phối lợi nhuận và chia cổ tức năm tài chính 2005.

Bán phần vốn Nhà nước của Tổng Công ty đầu tư vốn và kinh doanh vốn nhà nước.

Theo đơn khởi kiện ngày 6/3/2009 Nguyên đơn đề nghị tòa án hủy toàn bộ biên bản và Nghị quyết của Đại hội, nhưng tại Đơn bổ sung Đơn khởi kiện ngày 18/8/2009 Nguyên đơn chỉ đề nghị Tòa án hủy bỏ 1 phần của Biên bản và Nghị quyết Đại hội đồng thường niên 2005 Công ty Cổ phần giày Đông Anh ngày 20/1/2007 là phần nội dung: Bán phần vốn Nhà nước của Tổng Công ty đầu tư vốn và kinh doanh vốn nhà nước.

2. Căn cứ để phản bác yêu cầu của SCIC (hay là căn cứ chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn là hợp pháp): 

Thứ nhất: Trình tự thủ tục đưa nội dung chủ trương bán phần vốn nhà nước trong Công ty DAFCO vào chương trình họp Đại hội đông cổ đông thường niên Công ty DAFCO năm 2005 sai quy định của Luật DN 2005 cụ thể:

-Không có văn bản về chủ trương bán phần vốn của Tổng Công ty đầu tư vốn và kinh doanh vốn nhà nước tại Công ty CP giày Đông Anh và không gửi đến Công ty để đưa vào chương trình họp Đại hội trước 3 ngày làm việc trước giờ khai mạc theo quy định tại khoản 2 điều 99 Luật doanh nghiệp (không tuân thủ về măt thời gian)

-Không đưa chủ trương bán phần vốn của Tổng Công ty đầu tư vốn và kinh doanh vốn nhà nước tại Công ty CP giày Đông Anh vào phần khai mạc của phiên họp Đại hội vào ngày 20/1/2007 theo quy định tại khoản 3 điêu 103 là “ Chương trình và nội dung họp phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua ngay trong phiên khai mạc”.

- Trong Biên bản và Nghị quyết thể hiện: “ Ông Đoàn Nhật Dũng đại diện 45% vốn cổ phần của Tổng Công ty đầu tư vốn và kinh doanh vốn nhà nước tại Công ty cổ phần giày Đông Anh, trình bày đề xuất Đại hội cổ đông thông qua chủ trương bán phần vốn của Tổng công ty tại Công ty CP giày Đông Anh, phù hợp với tính chất hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn của Tổng Công ty . Thời gian, giá bán do Tổng Công ty đầu tư vốn và kinh doanh vốn nhà nước quyết định. (Ông Đoàn Nhật Dũng không biểu quyết theo quy định của Luật doanh nghiệp 2005).

Phần biểu quyết:

Tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết tại Đại hội: 50.238 cổ phần

Số phiếu nhất trí: 43.603 cổ phần đạt tỷ lệ 86,79%

Số phiếu không nhất trí: 5.957 cổ phần đạt tỷ lệ 11,86%

Số phiếu không có ý kiến: 678 cổ phần đạt tỷ lệ 1,35%”

- Việc đưa nội dung chủ trương bán phần vốn của Tổng Công ty đầu tư vốn và kinh doanh vốn nhà nước vào chương trình họp vào thời điểm cuối buổi họp (17 giờ) ngày 20/1/2007 không lấy biểu quyết của Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại khoản 4 điều 99 Luật doanh nghiệp. Theo quy định của Luật DN thì sau khi biểu quyết về bổ sung nội dung này vào chương trình Đại hội thì mới tiến hành biểu quyết theo quy định tại khoản 1 điều 104.

Chính vì vậy Nguyên đơn mới khởi kiện yêu cầu hủy Biên bản và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 20/1/2007 vê nội dung này theo quy định tại khoản 1 điều 107 Luật DN.

Thứ hai: Trình tự thủ tục lập biên bản và ban hành Nghị quyết sai luật.

Theo Nghị quyết  Đại hội cổ đông thường niên thể hiện 2 nội dung nêu trên đã  được các đại biểu tham dự đại hội nhất trí thông qua vào hồi 19gio 45 phút ngày 20/1/2007 với tỷ lệ tán thành đạt 92.79%.

Nhưng căn cứ trình bày của Nguyên đơn là sau đó có sự sửa chữa Biên bản và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông đã được các cổ đông có quyền dư họp thông qua ngày 20/1/2007. Và ông Đoàn Nhật Dũng đại diện 45% vốn của Tổng Công ty đầu tư vốn và kinh doanh vốn Nhà nước  tại Công ty cổ phần giày Đông Anh cũng thừa nhận khi được chuyển lại Biên bản và Nghị quyết ông đã tự tay sửa chữa vào bản gốc. Và bản sửa chữa sau đó được Công ty phát hành bản đã được sửa chữa.

Căn cứ vào chứng cứ nêu trên có sự  vi phạm trình tự thủ tục ban hành Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông cụ thể:

- Trái điểm i khoản 1 điều 106 Luật DN quy định trong Biên bản họp Đại hội phải ghi các các “quyết định đã được thông qua “. Trong biên bản và Nghị quyết ghi nội dung đã được thông qua với tỷ lệ 86,79% (ông Đoàn nhât Dũng đại diện cho SCIC không biểu quyết) là ‘chủ trương bán bớt phần vốn của SCIC” nhưng trong Biên bản và Nghị quyết mà Nguyên đơn được Công ty cấp ngày 2/3/2009 thì chỉ có nội dung” chủ trương bán phân vốn” chứ không phải là “bán bớt”.

- Trái khoản 2 điều 106 quy định Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông phải làm xong tại phiên họp. Nhưng phần nội dung :bán phần vốn của nhà nước trong Công ty chỉ bổ sung sau mấy ngày. Có nghĩa là Đại hội mới thông qua chủ trương bán bới chứ chưa thông qua chủ trương bán toàn bộ phần vốn nhà nước trong Công ty.

Đó là lý do Nguyên đơn đề nghị Tòa án hủy Biên bản và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 20/1/2007 theo quy định tại khoản 2 điêu 107 Luật DN.

- Căn cứ khoản 1 và khoản 4 điều 104 quy định: “Quyết định thông qua ngay tại cuộc họp Đại hội đồng cổ dông đại diện cho 100% tổng số vốn là hợp pháp ngay cả khi trình tự không theo quy định. Do đó vì trình tự thủ tục kiến nghị nội dung chủ trương bán phần vốn nhà nước của SCIC trong Công ty DAFCO sai với Luật DN và trình tự thủ tục ban hành nôi dung này trong Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông cũng sai nên muốn giữ nội dung này thì phải được 100% cổ đông biểu quyết. Nhưng vì ông Đoàn Nhât Dũng đại diện 45% vốn nhà nước trong Công ty DAFCO không biểu quyết nên không đảm bảo tỷ lệ 100%.

Đề nghị của luật sư:

- Đề nghị tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuân của NĐ-BĐ theo quy định tại khoản 1 điều 220 Bộ luật tố tụng dân sự và không xét xử vụ án vì SCIC không làm đúng thủ tục khởi kiện như quy định tại điều 168.

- Trong trường hợp vẫn giải quyết theo yêu cầu độc lập của SCIC Đề nghị HĐXX căn cứ vào phân tích nêu trên bác yêu cầu độc lập của SCIC yêu cầu tòa án giữ nội dung Biên bản và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2005 họp ngày 20/1/2007 Công ty DAFCO chủ trương bán phần vốn của SCIC trong Công ty DAFCO. (Còn các nội dung khác không có yêu cầu vẫn giữ nguyên).

Xin trân trọng cảm ơn

Hà Nôi, ngày 7 tháng 9 năm 2009.

Luật sư

Phan Thị Hương Thủy
Một số hình ảnh tại phiên tòa xét xử sơ thẩm :
S73F3093.JPG
S73F3102.JPG
S73F3104.JPG
Luật sư Phan Thị Hương Thủy chụp ảnh lưu niệm cùng ông Nguyễn Đức Đăng và Nguyễn Văn Cương - Nguyên đơn và ông Nguyễn Hồng Anh - Chủ tịch HĐQT Dafco - Đại diện theo pháp luật của Bị đơn trong vụ án trước Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội