Ai là người có lỗi

Ngày cập nhật: 25/07/2011
Mấy hôm nay cả Hà nội xôn xao về 1 vụ tai nạn giao thông thảm khốc xẩy ra cách đây 3 ngày (ngày 3/12/2008) tại ngã ba Trần Quang Khải-Lò Sũ (cách chân cầu Chương Dương vài trăm mét). Nạn nhân là 1 người nước ngoài bị cả 1 chiếc xe ô tô to chở đầy khách nghiến qua người

Mấy hôm nay cả Hà nội xôn xao về 1 vụ tai nạn giao thông thảm khốc xẩy ra cách đây 3 ngày (ngày 3/12/2008) tại ngã ba Trần Quang Khải-Lò Sũ (cách chân cầu Chương Dương vài trăm mét). Nạn nhân là 1 người nước ngoài bị cả 1 chiếc xe ô tô to chở đầy khách nghiến qua người. Nghe kể lại chuyện xảy ra rất đơn giản: nạn nhân, do tránh 1 người đột ngột chạy băng qua đường,không may làm đổ xe nên bị ngã, người vợ ngồi đằng sau xe cũng bị ngã. Người vợ được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời, còn người chồng xấu số lúc bị văng ra khỏi yên xe máy rơi xuống đường, vừa vặn lúc chiếc xe chở khách lao đến chẹt ngang người giữa những tiếng kêu hãi hùng của mấy chục hành khách ngồi trên chính chiếc xe tử thần, của những người dân đi đường và các chủ phương tiện cùng tham gia giao thông vào cùng thời điểm-đúng là chỉ 1 tích tắc. (Nếu không bị xe chở khách chẹt thì chắc chắn là không chết vì đội mũ bảo hiểm).
Tình cờ mình cũng được chứng kiến gần như trước mắt tai nạn thảm khốc này vào buổi sáng định mệnh đó. Vì con đường Trần Quang Khải là con đường quen thuộc từ nhà mình (ở bên kia sông Hồng) đến Văn phòng luật sư của mình nằm bên này sông Hồng trên con phố mang tên vị nữ anh hùng thời chống Pháp tên là Minh Khai. Đây là con đường độc đạo cho các phương tiện giao thông đi từ hướng Bắc vào Hà Nội sau khi vượt qua cầu Chương Dương (là 1 cây cầu lớn đầu tiên do VN tự thiết kế xây dựng năm 1983 mà không cần sự trợ giúp của các kỹ sư nước ngoài). Cây cầu này bắc qua Sông Hồng nối quốc lộ 1A đi vào địa phận Hà nội, nay nối quân Long Biên (nơi nhà tôi ở đó) với quận Hoàn kiếm cổ kính (làm say lòng du khách với 36 phố phường của Hà nội cổ xưa).À cây cầu này còn nổi tiếng bởi kỳ án “vụ án Cầu Chương Dương) xẩy ra năm 1994 – lần đầu tiên 1 sĩ quan công an Hà nội Nguyễn Tùng Dương đã bị xử tử hình vì tội giết người (mình còn nhớ phiên tòa đông nhất từ trước đến lúc đó với hàng vạn người tham gia và khi tòa án tuyên án tử hình trong tiếng reo hò của dân chúng).
Tuy hiện nay đã có 5 cây cầu bắc qua sông Hồng nhưng cầu Chương Dương vẫn là đông lưu lượng nhất vì dẫn đến bến xe khách như: Bến xe Lương Yên (gần cơ quan mình), đi xuyên qua thành phố để đến các bến xe khác như: Bến xe Mỹ Đình, Bến xe Nước ngầm phía Nam. Hàng ngày đi làm mình đã quen chứng kiến cảnh những xe chở khách từ ngoại tỉnh lao từ chân cầu xuống, phóng bạt mạng trên đường Trần Quang Khải nhanh chóng về bến để tranh bắt khách. (Thú thật chính bản thân mình cũng có cảm giác mạnh khi lao từ cầu xuống đường Trần Quang Khải cơ mà). Đây cũng là tuyến đường mà các cậu ấm con quan thời hiện đại chọn là đường đua xe vào những dịp Lễ, Tết, Nô en (a sắp đến Nô en rồi). Cũng có nhiều tai nạn giao thông xẩy ra (hầu như tháng nào cũng có) nhất là ở những điểm ngã ba đường. Kinh hãi nhất là những người dân (ở khu vực ven sông Hồng) hồn nhiên vượt qua đường cao tốc này để vào nội thành. Tuy cũng có chỗ dành cho người qua đường cụ thể là ngã ba Lò Sũ-Trần Quang Khải chẳng hạn, nhưng lại không có đèn xanh đèn đỏ (như vậy có cũng như không vì ai mà chờ được khi nào ngớt xe cộ để băng qua đường, mà cũng không bao giờ ngớt xe cả-đã bảo là đường độc đạo mà lại). Do đó con đường Trần Quang Khải còn được gọi là con đường tử thần.
Ồ mà lan man quá, sáng hôm đó chỉ biết là khi xe trôi từ cầu Chương Dương đi vào con đường Trần Quang Khải mình đã phải giảm tốc độ bởi trước mặt là dòng xe cộ đang ùn lại bởi tắc đường. Bụng bảo dạ “chắc lại có tai nạn giao thông rồi”, nhưng vẫn hiếu kỳ nên mình không rẽ đi vào đường Nguyễn Hữu Huân (đường phía trong song song với đường Trần Quang Khải) mà cố lách lên phía trước. Thì ôi khủng khiếp quá ở ngay đoạn Lò Sũ đâm ra đường Trần Quang Khải 1 đám đông đứng ở hai bên đường đang nhìn về 1 thi thể đầy máu nằm sóng sượt giữa đường. Sau đó thi thể người xấu số đã được 1 người dân tốt bụng nhà ở cạnh đó đắp cho 1 cái chiếu mới nên chỉ thấy máu trào ra từ dưới chiếu đọng thành 1 vũng to cạnh đó. Và máu chao ôi là máu ở đâu mà nhiều thế 1 vũng đỏ thẫm, nghe nói trong cơ thể người có khoảng 3-4 lít máu gì đó, cứ nhìn vũng máu thì biết thi thể chỉ là cái xác còn bao nhiêu máu đã bị chảy ra ngoài qua thất khiếu. Lần đầu tiên mình nhìn thấy người chết gần đến thế vì khi tham gia các vụ án giết người thì cũng chỉ xem qua các ảnh chụp.
Thoáng nhìn qua hiện trường, với kinh nghiệm luật sư bào chữa nhiều vụ án giao thông, đã biết nạn nhân có lỗi vì đi ra hướng dành cho xe ô tô. Quan sát phần đường xung quanh xác chết chiều di chuyển của làn xe không thấy có vết phanh xe trên đường đủ cho thấy tài xế cũng không làm chủ được tốc độ ( nếu làm chủ tốc độ thì đã có vết phanh xe cháy mặt đường…). Cạnh đó là 1 chiếc xe máy kiểu thể thao mầu xanh tím than còn nguyên vẹn, 1 cái mũ bảo hiểm cùng màu cũng còn nguyên. Hình như mấy hôm trước có ai nói với mình tuy người dân Hà Nội đã quen với đội mũ bảo hiểm ra đường nhưng tỷ lệ người chết vì tai nạn giao thông có chiều hướng vẫn tăng. Như vậy có phải cứ đội mũ bảo hiểm là giảm tai nạn giao thông đâu, vì thực tế đã cho thấy nhiều người mặc dù đầu vẫn đội mũ bảo hiểm nhưng không thoát được cái chết bởi thân thể đã bị nát nhừ (như trường hợp này đây).
Có ai đó đã kịp đặt 1 bát cắm 1 bó hương đang cháy ở phía đầu hình người. Nghe nói hôm đó tắc đường đến tận nhiều giờ sau vì có người nước ngoài chết nên phải nhiều thủ tục báo sứ quán và bộ phận an ninh phụ trách người nước ngoài vào cuộc với công an giao thông, điều tra hình sự. Ngày hôm sau đi làm qua hiện trường vụ án vẫn thấy vũng máu hình người chuyển sang màu đỏ thẩm, bao quanh là nét vẽ của phấn trắng và có 1 bát hương cắm những bông hoa tươi đặt ở ngay giữa đường (phần trên đầu của vùng mầu đỏ sẫm). Cũng đang giờ cao điểm, nhưng tất cả các xe cộ đến đó đều tránh không đi vào khoảng trống đau thương đó. (Đến sáng nay- 5/12/2008 thì không còn thấy bát hương cắm hoa nũa nhưng vùng máu đổ sậm như hình người nằm giữa đường thì vẫn còn và các dòng xe cộ san sát tuy vào giờ cao điểm nhưng vẫn tránh không đi vào vùng đó, dường như sợ làm đau linh hồn của người chết).
Sáng nay đến văn phòng thấy các luật sư truyền tay nhau đọc tờ báo An ninh thủ đô ngày hôm qua có bài: “Xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng" trong đó có Hà nội đóng góp vụ tai nạn giao thông xảy ra hôm 3/12/2008. Sau khi đọc câu kết muôn thuở “hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ”, gập tờ báo lại, mình bỗng thấy trong người bần thần chẳng làm được việc gì nữa. Vừa lơ đãng nghe tiếng cô trợ lý luật sư báo thời gian biểu: “sáng chị lên tòa Hà nội đọc hồ sơ vụ…Chiều chị gặp khách hàng vụ…” vừa dỏng tai nghe loáng thoáng các luật sư bình luận: Thể nào tay lái xe này cũng phải bị xử lý ở khoản 2 thậm chí khoản 3 điều 202 Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tình tiết tăng nặng vì dính đến người nước ngoài, nhẹ nhất cũng bị án tù 7 năm. Mà cũng không oan gì, ai bảo phóng nhanh cho chóng đến bến đổ khách để còn gom khách chạy tiếp chuyến khác. Nếu không chạy nhanh thì chắc chắn đã kịp phanh khi nhìn thấy cái xe máy đột ngột ngã lộn cầu vồng…(Tự nhiên mình hình dung lại cảnh người lái xe mặt cắt không còn giọt máu chưa hết vẻ bàng hoàng vì tai nạn quá bất ngờ xảy ra). Có luật sư lại chỉ bình luận về nạn nhân: Mà cũng lỗi tại nạn nhân (đọc báo mới biết sinh năm 1969, lấy 1 cô vợ Việt Nam đang là chủ 1 quán BAR ở phố Tống Duy Tân -phố ẩm thực đã được xếp hạng ở Hà nội), điều khiển xe máy chắc đi với tốc độ nhanh (lao từ trên cầu xuống mà) nên khi gặp chướng ngại vật di động đã không làm chủ được tốc độ, phải sử dụng phanh tay dẫn đến hậu quả bị ngã xe. Nhưng người chết là hết chuyện, pháp luật có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự của người đã chết đâu.…Tóm lại trăm tội đổ lên đầu người lái xe đang còn sống khó mà tránh khỏi cái án hình sự mất vài năm ngồi bóc lịch trong tù, vợ con thì mất nhờ...
Ô hay, hình như chẳng ai đả động gì đến kẻ liều mạng đột ngột băng qua đường cao tốc trong giờ cao điểm-theo mình đây mới là nguồn gốc sâu xa đã gây ra vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Nhưng chắc chắn trong hồ sơ vụ án sẽ không 1 dòng nhắc đến danh tính của kẻ gây ra sự kiện kinh hoàng này. Mà hầu như tất cả các vụ án giao thông mà mình tham gia thì hình như nhân vật này đều bị lãng quên, 1 số nhanh chân thoát vào đám đông và đứng nhìn như người chứng kiến, 1 số thì tẩu thoát cho nhanh chẳng dại gì đứng ở đấy để đợi cơ quan điều tra thăm hỏi. Mà nếu có xác định được danh tính cụ thể thì…họ cũng chẳng bị sao vì trong chương các tội phạm về xâm phạm trật tự công cộng an toàn công cộng của Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định về hành vi cản trở giao thông đường bộ mà chỉ quy định về những hành vi cản trở giao thông đường thủy, đường sắt, đường hàng không. Nạn nhân chết là do chiếc xe ca chèn qua chứ có phải do việc chạy băng qua đường của người đó gây ra đâu. Mà không có điều luật nào quy định chạy băng qua đường (đoạn Lò Sũ-Trần Quang Khải) là hành vi trái pháp luật (mà ở chỗ đó làm gì đã có đường hầm xuyên qua dưới lòng đường, nếu không đi ngang qua đường thì…bay à, người làm gì có cánh như chim mà bay. Mà tại nơi đó đáng ra chính quyền thành phố Hà nội phải làm đường hầm qua đường như ở đoạn đường gần khu Kim Liên- Đại Cồ Việt hoặc Ngã Tư Sở gì đó (nghe đâu khởi công đã lâu mà đã xong đâu). Nhưng dù sao hành vi đột ngột băng qua đường cao tốc vẫn có thể bị coi là hành vi cản trở giao thông đường bộ (thì đúng là cản trở thật). Tự nhủ thầm, ơ các nhà làm luật tại sao lại bỏ sót hành vi cản trở giao thông đường bộ nhỉ!. Hình như đã tìm được lời giải thích điều làm mình bần thần không thể làm được việc gì trong cả ngày hôm đó và thôi thúc mình cầm bút viết 1 bài tâm sự gửi vào bantoi may ra vơi được chút nào nỗi niềm tâm sự.
Có lẽ phải rất lâu mình mới có thể quên được 1 hình người nát nhừ nhuốm đầy máu nằm yên nghỉ vĩnh viễn trên 1 con phố mang tên 1 vị tướng đời nhà Trần của Việt Nam do một hành vi trái pháp luật 1 cách hồn nhiên vô ý thức. Nếu không có hành vi đột ngột băng qua đường cao tốc trong giờ cao điểm thì sẽ không có chuyện người nước ngoài xấu số kia bị ngã xe. Và chiếc xe ca chở khách sẽ trả khách về bến an toàn và lại nhận lượt khách mới để rong ruổi đường trường về điểm xuất phát. Và cuối ngày làm việc, có thể là 9-10 giờ đêm anh ta trở về với mái ấm gia đình nơi có người vợ và lũ con đang chờ đón với những tờ giấy bạc kết quả của 1 ngày lao động… Nghĩa là sẽ chẳng có việc xẩy ra án mạng. Nhưng thực tế nghiệt ngã đã cho thấy hiện giờ anh ta đang phải đối mặt với 1 bản án hình sự nghiêm khắc. Cũng cần sơ qua 1 chút về quy định của pháp luật hình sự của Việt Nam: người thực hiện hành vi trái luật làm người khác chết, dù xảy ra đồng thời cùng thời điểm với cái chết tự nhiên của nạn nhân, vẫn bị quy định như là tội danh giết người. (Tuy nhiên Bộ luật hình sự cũng quy định 1 số hành vi khác, tuy cũng làm chết người, nhưng không bị coi là hành vi của tội giết người- những hành vi này được gọi là hành vi không trái luật hay còn gọi là hành vi gây ra cái chết cho người khác được pháp luật cho phép như: phòng vệ chính đáng, thi hành án tử hình v.v.v) .
Suốt mấy ngày qua cứ nghĩ ngợi về vụ án mạng đầy thương tâm này, thấy lòng không được thư thái lắm bởi vì cảm thấy có cái gì đấy đang tồn tại ngoài vòng luật pháp. Đó mới là sự bất công, vì nếu theo thuyết nhân quả thì phải xử lý người gây ra sự việc (tức là kẻ đang băng qua đường cản trở giao thông đường bộ)nhưng theo lý thuyết cấu thành tội phạm của luật hình sự thì hành vi này lại không cấu thành tội phạm và Bộ luật hình sự của VN đã quy định rõ: 1 người chỉ bị xử lý hình sự nếu có hành vi cấu thành tội hình sự. Theo mình cần phải bổ sung quy định vào Bộ luật hình sự hành vi cản trở giao thông đường bộ mà gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự. Hiện tại thì chưa có luật thì chẳng thể làm gì được. Những người theo lý thuyết phải cai trị bằng pháp luật đã nhìn thấy chưa: có phải hành vi nào cũng được luật điều chỉnh đâu. Mà đối với những hành vi mà luật pháp không điều chỉnh thì làm sao mà xử lý bằng pháp trị được. Cứ cho là mai đây ở cái ngã ba tử thần đó mọc lên 1 đường hầm để người qua đường có thể đi vào khu 36 phố phường cổ kính mà không phải băng qua mặt đường. Thì cũng phải đợi 1 thời gian để người dân có thói quen đi bằng đường hầm, tức là quên thói quen đi qua đường cao tốc 1 cách hồn nhiên. Đó thuộc phạm trù đức trị-cụ thể cần phải tuyên truyền giáo dục làm gương cho bộ phận lớn người dân hiểu và tuân thủ các quy định về an toàn giao thông, hoặc có ý kiến kiến nghị với chính quyền thành phố xây đường hầm (người VN thường có câu “con có khóc thì mẹ mới cho bú” mà). Đương nhiên khi đã có các đường hầm thì phải có luật quy định nếu vẫn băng qua đường thì sẽ bị xử lý, nếu có vụ án mạng tương tự xảy ra thì chắc chắn kẻ điếc không sợ súng sẽ không được vô can như thời điểm hiện nay. Có phải không các bạn.
Qua vụ việc này càng thêm khẳng định quan điểm của mình nền đức trị chưa phải đã bị chấm dứt sứ mạng lịch sử của nó. Hy vọng viết xong bài này, treo được vào bantoi là có thể yên tâm ngủ ngon. Hy vọng bài không bị ai táy máy nghịch ngợm làm mất.