Trả lời PV về vụ VNA phải bồi thường 5,2 triệu Euro theo phán quyết

Ngày cập nhật: 22/07/2011
Luật sư, tiến sĩ Phan Thị Hương Thủy (Văn phòng luật sư Hoàng Long-Hà Nội) trả lời phỏng vấn của Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh về vụ Tổng công ty hàng không Việt Nam (VNA)phải bồi thường 5,2 triệu Euro theo phán quyết của tòa án Roma (Italia).

VNA đã gửi đơn lên Tòa án Roma xin xem xét lại vụ kiện của luật sư (LS) Liberati. Tòa ấn đã nhận  đơn để xem xét đơn và đến phiên phúc thẩm vào ngày 27/1/2006 mới ra quyết định chấp nhận cho kháng án hay không. Theo bà, liệu tòa có chấp nhận cho VNA kháng án hay không?

- Điều này còn phụ thuộc vào các chứng cứ VNA đưa ra để chứng minh cho việc kháng cáo quá hạn của mình. Nếu lý do kháng cáo quá hạn phù hợp với luật pháp của Italia thì tòa án sẽ chấp nhận đơn kháng cáo để xem xét vụ kiện của LS. Liberati theo trình tự phúc thẩm. Có một vấn đề cần lưu ý là tại sao năm 1995 tòa án Roma gửi trát hầu tòa cho VNA thông qua Đại sứ quán Italia tại Hà Nội mà vào năm 2000 tòa án lại không gửi bản án khuyết tịch (nếu đương sự vắng mặt tại phiên tòa) cho VNA qua đường ngoại giao như lần đầu? Việc LS Liberati gửi thư kèm trích lục bản án cho VNA vào tháng 5-2002, chỉ là để đòi tiền của nguyên đơn chứ không coi là tống đạt quyết định của tòa án. Nếu luật tố tụng của Italia giống của Việt Nam thì coi như là VNA chưa nhận được tống đạt hợp lệ bản án của tòa án. Và như vậy, thời hạn kháng cáo chỉ bắt đầu kể từ thời điểm coi là đã được tống đạt hợp lệ.

 Giả sử tòa chấp nhận thì liệu VNA có khả năng thắng kiện được không? Phiên tòa sẽ kéo dài đến bao giờ?

Ngay thời điểm này, khó có thể nói về khả năng thắng kiện của VNA nếu không được nghiên cứu hồ sơ vụ kiện. Bộ luật Dân sự Việt Nam cũng có điều luật quy định nghĩa vụ liên đới phát sinh do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định (Điều 304). Bởi luật pháp giữa các nước vẫn có điểm tương đồng nên theo tôi, muốn đánh giá về khả năng thắng kiện của VNA phải tìm hiểu thỏa thuận của các bên trong hợp đồng ký giữa VNA và đại lý của mình tại Italia là Công ty Falcomar. Ngoài ra cần tìm hiểu xem giữa Công ty Falcomar và người làm công của mình-LS. Liberati, có thỏa thuận gì liên quan đến trách nhiệm của VNA không? Vì vụ kiện thuộc thẩm quyền của tòa án Italia nên việc VNA không tham gia phiên xét xử quả là điều bất lợi cho VNA. Có thể tại phiên tòa ngày 27/1/2006 tòa án sẽ xem xét cả phần nội dung kháng cáo nếu tòa án chấp nhận đơn kháng cáo của VNA. Nhưng cũng có thể phải chờ đợi một phiên xét xử khác để giải quyết về mặt nội dung. Như vậy vụ kiện có thể kéo dài hàng năm hoặc lâu hơn.

 

Trong số tiền bồi thường có cả lãi suất do chậm trả. Chỉ cần làm một phép tính thông thường thì thấy nếu theo kiện lâu dài, lãi suất tăng, cộng với chi phí theo kiện rất tốn kém. Theo bà, trả ngay tiền bồi thường hay theo kiện sẽ lợi hơn?

Điều này chỉ có VNA mới quyết định được. Nếu như đúng như lời của những người có trách nhiệm của VNA, chỉ là vụ kiện tay đôi giữa Công ty Falcomar và người làm công của họ và tòa án Roma triệu tập VNA chẳng qua cũng chỉ là với tư cách nhân chứng... Nếu quả thật VNA chẳng liên quan gì thì việc theo kiện là cần thiết bởi khoản tiền 5,2 triệu Euro (tương đương 100 tỷ đồng Việt Nam) là một khoản tiền lớn. Nhưng nếu ngược lại, sau khi đã tham vấn, mà thấy rằng bản án xử có căn cứ, thì tôi cho rằng việc thi hành ngay phán quyết của tòa án là cần thiết để khỏi bị thiệt hại thêm. Tuy nhiên tôi cũng không hiểu cách tính lãi thế nào mà ra số tiền lớn thế.

 Với bà, bà có lời khuyên gì cho VNA sau bài học này?

Trước hết là lời khuyên về sự cần thiết phải tìm hiểu pháp luật nước nơi mà VNA mở đường bay đến. Sự hiểu biết pháp luật bản xứ chính là một trong những biện pháp phòng tránh rủi ro trong kinh doanh, hạn chế thiệt hại kinh tế. Vấn đề này tôi đã thấy được từ các thương nhân nước ngoài khi đến Việt Nam làm ăn. Từ năm 1995 Công ty luật Hoàng Long nơi tôi làm giám đốc trước khi thành lập Văn phòng luật sư Hoàng Long, đã được một số hãng luật nước ngoài trong đó có Hãng luật Studio di Consulenza Internazionale của Italia trụ sở đặt tại Roma đã chỉ định là thành viên liên kết của họ tại Việt Nam (Associated Partner in Viet Nam) để sử dụng các tư vấn về luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho khách hàng của họ. Đầu năm 2005 Văn phòng luật sư Hoàng Long cũng đã được Bộ tư pháp cho phép tiếp nhận một thực tập sinh ngành luật (CHLB Đức)-là trường hợp đầu tiên đến tập sự tại VPLS của Việt Nam, mục đích của họ là khi trở thành luật sư chính thức sẽ giúp đỡ pháp lý cho các nhà đầu tư Đức về luật pháp Việt Nam cũng như thực tiễn xét xử của tòa án Việt Nam. Năm 2002 khi tòa án Los Angeles ở bang California (Mỹ) xét xử 1 vụ kiện liên quan đến luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, tòa án đã chấp nhận đề nghị của luật sư mời tôi tham gia với tư cách là chuyên gia làm chứng để tư vấn về luật pháp Việt Nam. Những hiện tượng như vậy sẽ trở trở thành phổ biến nhất là trong thời đại tòan cầu hóa như hiện nay.

- Lời khuyên thứ hai là không được coi nhẹ vai trò của các cơ quan xét xử nước ngòai (như tòa án, trọng tài). Việt Nam đã tham gia các Công ước quốc tế về công nhận các phán quyết của tòa án và trọng tài (Công ước New York 1958). Đây là cơ sở pháp lý tạo điều kiện để các phán quyết của tòa án nước ngòai được thi hành trên lãnh thổ của Việt Nam cũng như phán quyết của tòa án Việt Nam được thực hiện ở nước ngòai. Nếu thua kiện thì VNA khó tránh khỏi bị cưỡng chế thi hành thậm chí có thể bị cầm giữ máy bay ở nước ngòai theo quyết định của tòa án nước ngòai. Trong trường hợp này thì quyết định của tòa án Roma đã được tòa án phúc thẩm tại Pari thi hành do đó tài khoản của VNA mới bị phong tỏa. Chính vì coi nhẹ tòa án nên VNA đã không tham dự phiên xét xử theo trát của tòa vào năm 1995.Theo tôi việc tham gia phiên tòa là cần thiết vì đó là cơ hội để tự bảo vệ mình và phản bác yêu cầu của nguyên đơn. Việc VNA không tham gia phiên xét xử là tự khước từ quyền lợi của mình.

- Thứ ba là khi có sự cố pháp lý xảy ra VNA nên tìm ngay luật sư để được tư vấn và hỗ trợ về mặt pháp lý. Nếu như VNA khi nhận được trát hầu tòa mà tòa án Roma gửi thông qua Đại sứ quán Italia tại Hà Nội mà có sự tư vấn của luật sư thì tôi cho rằng ít nhất VNA cũng đã xác định được sự miễn trách hay liên quan của VNA trước yêu cầu kiện của nguyên đơn, ý kiến phản bác để đệ trình cho tòa án, những thủ tục cần thiết phải làm, những thông tin và hiểu biết tối thiểu về luật pháp Italia liên quan đến vụ kiện này để có hướng xử lý phù hợp. Ví dụ năm 1999 khi Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà rừng (thuộc Tổng công ty tầu thủy Việt Nam) có vụ kiện liên quan đến con tàu Stailess Bird, họ đã nhờ tôi liên lạc với luật sư Hy lạp (nước mà Bị đơn mang quốc tịch) và luật sư Panama (nước mà con tàu mang quốc tịch) để được tư vấn về pháp luật các nước này kết hợp với pháp luật Việt Nam (nơi con tàu đang bị cầm giữ) kết quả là quyền lợi của nguyên đơn đã được tòa án bảo vệ.  Thực tế cho thấy các doanh nghiệp VN nói chung nhất là các doanh nghiệp nhà nước đều không có thói quen sử dụng tư vấn của luật sư  kể cả trong các vụ kiện tụng tuy phí thuê luật sư ít hơn rất nhiều so với lợi ích của các dịch vụ pháp lý mà họ đem lại cho doanh nghiệp. Qua một số vụ án kinh tế mà tôi tham gia tôi thấy các doanh nghiệp của nhà nước thường được tòa án "ưu ái" hơn khi xét xử, đó cũng là một trong những lý do họ không cần đến luật sư. Đây là điểm khác biệt với các thương nhân nước ngòai, đó là khi họ vào Việt Nam làm ăn điều đầu tiên là tìm kiếm sự tư vấn và những dịch vụ pháp lý từ những luật sư bản xứ. Thực tiễn đã cho thấy tòa án Việt Nam đã giải quyết nhiều vụ kiện mà những nguyên đơn là những công ty nước ngòai kiện các doanh nghiệp Việt Nam với sự trợ giúp của các luật sư Việt Nam. Chứng tỏ họ đã tìm thấy lợi ích và hiệu quả của những ý kiến tư vấn và những dịch vụ mà luật sư cung cấp.