Giải pháp nâng cao ý thức pháp luật của người Việt Nam

Ngày cập nhật: 25/07/2011
Giải pháp nâng cao ý thức pháp luật cho người dân VN trước mắt là nâng cao ý thức của người dân. Người ta thường ví von: “Không có người phụ nữ xấu mà chỉ có những người phụ nữ không biết làm đẹp”. Tại sao không áp dụng câu này để nói: Không có dân tộc nào xấu mà chỉ là người dân của dân tộc đó không biết phát huy các phẩm chất tốt.

Mở đầu: Tết dương lịch 2009 vừa qua, Thủ đô Hà Nội tổ chức Phố Hoa (tức là trưng bày và bán hoa các loại trên… phố ) thay vì Chợ hoa (trưng bày và bán hoa ở chợ). Sự kiện này bắt nguồn từ 1 nét đẹp truyền thống của người Hà Nội thường đi mua sắm hoa về trồng và chơi Tết vào khoảng thời gian 1 tháng trước Tết Nguyên Đán. Mình nhớ thời xưa hay đi Chợ hoa ở phố cổ Hàng Lược, sau này thì lên Nhật Tân, ngoài ra còn nhiều chợ hoa tự phát khác ở khu vực đông dân cư, gần đầu mối giao thông. Tuy ngày nào mình cũng đi qua Phố Hoa này nhưng quả thực chưa có thời gian đi thăm thú chiêm ngưỡng vẻ độc đáo của kiểu chơi hoa thời hiện đại này. Nhưng mình thừa nhận là vẻ nghiêm trang chỉ được vài ngày đầu sau đấy là cảnh chen lấn xô đẩy của khách thưởng hoa và đúng như mô tả của báo chí và 1 số công dân mạng bantoi –những người không may mắn đi xem Phố hoa sau thì chỉ được chiêm ngưỡng cảnh tượng “Phá hoa” vô cùng lộn xộn, thiếu văn hóa của 1 số người dân thiếu ý thức. Cảnh tượng này đã làm cho Hà Nội ngàn năm văn hiến của chúng ta bị giảm đi nét văn hóa cổ xưa của người “Tràng An” trong con mắt của người nước ngoài và cả 1 số công dân người nước ngoài gốc Việt thuộc lứa LHS77-78. Đó chỉ là 1 ví dụ, còn nhiều nhiều những hành vi khác đã là tiếng chuông báo động về thực trạng thiếu ý thức của 1 bộ phận người dân VN và đã gây hậu quả làm giảm đi nét đẹp của VN trong con mắt của bạn bè thế giới. Điều nguy hiểm hơn cả là sự thiếu ý thức này chính là nguồn gốc gây ra sự thiếu ý thức pháp luật của người dân VN, cản trở quá trình đưa luật vào cuộc sống, cản trở quá trình hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới, làm chậm tiến trỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cần điểm qua 1 chút về mặt lý luận: Ý thức pháp luật là 1 hình thái ý thức xã hội, về cấu trúc bao gồm 2 bộ phận: Tâm lý pháp luật và tư tưởng pháp luật.Tâm lý pháp luật hình thành 1 cách tự phát dưới dạng tình cảm, tâm trạng , cảm xúc đối với các hiện tượng pháp luật xảy ra trong đời sống xã hội. Tư tưởng pháp luật là tổng hợp các quan điểm, quan niệm có tính lý luận, phản ánh các hiện tượng pháp luật 1 cách sâu sắc, tự giác dưới dạng các khái niệm, các phạm trù khoa học. Ý thức pháp luật của 1 người có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật. Vì vậy nâng cao ý thức pháp luật là trách nhiệm của mỗi công dân.
Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật là trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật, sự tôn trọng pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hết sức hạn chế. Trong thời gian qua, việc tuyên truyền pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hình thức tuyên truyền khác đã mang lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với yêu cầu nâng cao trình độ, ý thức pháp luật cho nhân dân thì những kết quả đó vẫn chưa tương xứng. Chính vì vậy, việc nâng cao trình độ pháp luật cho nhân dân theo yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật hiện nay đang là vấn đề cấp thiết.

Kết luận: Do đó giải pháp nâng cao ý thức pháp luật cho người dân VN trước mắt là nâng cao ý thức của người dân. Người ta thường ví von: “Không có người phụ nữ xấu mà chỉ có những người phụ nữ không biết làm đẹp”. Tại sao không áp dụng câu này để nói: Không có dân tộc nào xấu mà chỉ là người dân của dân tộc đó không biết phát huy các phẩm chất tốt. Việc phát huy phẩm chất tốt (hay tính tốt) đồng nghĩa với việc thủ tiêu diệt trừ các thói hư tật xấu. Mỗi dân tộc đều có những tính cách riêng, chính cái riêng đó góp phần tạo nên bản sắc dân tộc. Những thói hư tật xấu không thuộc về tính cách của một dân tộc mà chỉ là sự biểu hiện ra bên ngoài của những con người cụ thể trong những hoàn cảnh cụ thể và làm mất đi tính thiện căn của con người”nhân chi sơ, tính bản thiện”. Trong tương lai loài người sẽ phát triển đến một giai đoạn lịch sử khi quốc gia mất đi nhưng dân tộc vẫn tồn tại mãi mãi. Người Việt Nam chúng ta có rất nhiều phẩm chất tốt đẹp nhưng bên cạnh đó chúng ta có nhiều cái xấu, cái chưa được mà chưa được sàng lọc loại bỏ trong quá trình phát triển, thậm chí có cả những thói xấu thời phong kiến rơi rớt lại (ví dụ tư tưởng trọng nam hơn nữ), cũng một phần do điều kiện đất nước bị lâm vào các cuộc chiến tranh liên miên kéo dài. Những thói hư tật xấu của người VN đã tồn tại qua nhiều thời gian nhất là dưới thời kỳ bao cấp, quan liêu, lạc hậu ngày càng trầm trọng phát triển thành những thói quen, đã làm cho 1 bộ phận của thế giới biết đến người VN chỉ qua các thói hư tật xấu này, nghiêm trọng hơn là bị kẻ thù của dân tộc lợi dụng để xuyên tạc nhằm lật đổ chế độ, phục vụ cho các âm mưu chính trị, diễn biến hòa bình, làm băng hoại khối đoàn kết toàn dân. Đã đến lúc chúng ta không chỉ nói về những phẩm chất tốt đẹp, bảo thủ nguyên tắc “không vạch áo để người xem lưng”, “đẹp đẽ phô ra xấu xa đậy lại”. Đã đến lúc chúng ta phải đi tìm câu trả lời: “ Vì sao bước sang thiên niên kỷ mới mà VN vẫn còn nghèo”, “ Tại sao có người cho là nước ta đã và đang phát triển mạnh nhưng vẫn đi sau các nước phương Tây hàng trăm năm”, ‘ Vì sao mở cửa mà trình độ dân trí của người dân VN vẫn còn nhiều hạn chế”, “Vì sao nhiều luật của chúng ta không đi vào cuộc sống”…. Đây là lúc cần phải dũng cảm dẹp lòng tự ái sang 1 bên, “vạch áo của chúng ta” để nhận diện các nết xấu, các hủ tục của chính mình từ đó tìm giải pháp loại bỏ để tiến đến mục đích: Tạo nên một nước VN hùng mạnh trong đó có những công dân hoàn hảo sống có lý tưởng với những nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có vừa tiếp thu học hỏi những tinh hoa của nhân loại. Nhìn ra thế giới bên ngoài chúng ta biết có những nước đi trước chúng ta và đã thành công bằng các cuộc cải cách để tự làm mình tốt lên qua các tác phẩm “Người Trung quốc xấu xí”, “Người Nhật xấu xí”. Gần đây VN chúng ta cũng đã có diễn đàn “Người Việt-phẩm chất và thói hư -tật xấu” theo cách của các nước Nhật và TQ và đã gây được sự chú ý của đông đảo độc giả.

Đề xuất: Đó là lý do mình mạnh dạn mở chuyên mục: “Những tật xấu của người VN và giải pháp khắc phục” trên diễn đàn Tư vấn cuộc sống. Tuy đây là việc làm cần khuyến khích, nhưng để đảm bảo quyền tự do ngôn luận của cá nhân vừa không trái quy định của pháp luật, mình đề nghị các bài viết có nội dung liên quan đến chủ đề trên chỉ đưa ra ở trang này theo nguyên tắc: tác giả không chỉ nêu hiện tượng mà phải chỉ ra được nguyên nhân, thực trạng và giải pháp thiết thực nhằm giúp chúng ta tự sửa mình và khắc phục.Theo ý kiến của mình trước hết chúng ta sẽ nhận diện những tật xấu của chính chúng ta (tức là các cựu lưu học sinh lứa LHS 77-78).
Ghi chú: vì nội dung bài viết này có liên quan đến hai chủ đề: Tư vấn pháp lý và Tư vấn cuộc sống nên mình sẽ đưa vào cả hai nơi để các bạn tiện theo dõi.